Ông Trần Văn Nghĩa. Ảnh: Tiến Dũng.
- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ đưa ra quy trình mới với nhiều điểm phức tạp hơn đã khiến nhiều ý kiến lo ngại về tính công bằng đối với các thí sinh. Quan điểm của Bộ về kỳ thi tốt nghiệp sắp tới ra sao?- Năm nay chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với 3 điểm mới là tổ chức thi theo cụm trường, chấm chéo bài thi tự luận giữa các Sở, và quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ phận thực thi nhiệm vụ trong quá trình thi.
Bộ GD&ĐT đưa ra 3 vấn đề này dựa trên phân tích dữ liệu kết quả thi của năm ngoái để cố gắng giải quyết những tồn tại của kỳ thi năm trước. Kèm theo quy chế ban hành, hướng dẫn sẽ quy định một cách cụ thể hơn để làm cơ sở cho các Sở GD&ĐT tập huấn cho các trường phổ thông và triển khai tốt kỳ thi này.
- Vậy, năm ngoái chúng ta phát hiện vấn đề gì trong kỳ thi tốt nghiệp?
- Việc thi cụm đã được một số Sở như Nghệ An, Thừa Thiên Huế triển khai từ vài năm trước. Khi so sánh kết quả của tuyển sinh ĐH, CĐ với tốt nghiệp THPT, xã hội vẫn tin tưởng kết quả kỳ thi tuyển sinh hơn. Một trong những yếu tố làm nên điều đó là đưa thí sinh về các trung tâm, trường đại học để thi. Chính vì lý do đó, Bộ quyết định tổ chức thi theo cụm để đảm bảo nâng cao chất lượng kỳ thi.
Năm ngoái, Bộ đã tổ chức chấm thẩm định, đối với các môn thi trắc nghiệm, gần như chính xác 100%, không có sai sót hay điều chỉnh gì. Tuy nhiên, khi kiểm tra chấm tự luận, cũng xảy ra một số trường hợp chấm chưa chính xác. Chính vì vậy cần chấm chéo để đảm bảo chấm khách quan hơn.
- Vừa rồi ông có nói về việc một số địa phương chấm thi không nghiêm túc. Vậy, năm nay Bộ GD&ĐT có công bố phổ điểm thi THPT và ĐH, CĐ của những địa phương gian lận này?
- Để công bố phổ điểm thì phải có đủ các thông tin cần thiết nên hiện chưa quyết định được việc có công bố hay không. Năm ngoái, đối với những Sở GD&ĐT "có vấn đề" về việc chấm thi, Bộ cũng đã nhắc nhở.
Giám thị đối chiếu thông tin trong thẻ học sinh với chứng minh nhân dân. Ảnh: Hoàng Hà.
- Quá trình chấm chéo sẽ phát sinh việc vận chuyển và đảm bảo an toàn bài thi. Bộ đã lưu ý vấn đề này thế nào?
- Việc vận chuyển bài thi bao giờ cũng tiềm ẩn những rủi ro. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, các bộ phận thực thi phải làm theo hướng dẫn và cảnh giác với vấn đề này.
Còn việc vận chuyển an toàn có thực hiện được không? Xin đưa ra hai ví dụ rằng việc này đã từng được làm chứ không phải là mới. Thứ nhất, năm đầu tiên triển khai thi trắc nghiệm, nhiều Sở không chấm được và phải chuyển về Bộ hoặc TP HCM để chấm. Việc chuyển bài này an toàn, không xảy ra vấn đề gì.
Thứ hai, các Sở GD&ĐT năm nào cũng phải chuyển đề thi về các huyện và không xảy ra vấn đề gì. Chúng tôi sẽ cố gắng không để xảy ra sự cố đáng tiếc, nhưng cũng cần có sự cố gắng của các Sở cũng như những người tham gia kỳ thi.
Tiến Dũng ghi