Ngày 2/4, sau khi VnExpress.net thông tin việc Hà Nội đồng loạt tân trang 75 tuyến phố, trong đó nhiều tuyến phố cổ đang được sơn đồng màu, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tỏ ra khá ngạc nhiên bởi "chưa được nghe thông tin này dù vài ngày trước có dự hội thảo tại trung tâm thông tin phố cổ".
Theo ông Nghiêm, tại cuộc hội thảo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tôn tạo thì trước mắt cần xác định giá trị của khu phố cổ cũng như thay đổi điều lệ quản lý, điều hành và bảo tồn phố cổ được ban hành từ năm 1999. Hơn nữa, bảo tồn càng không phải là việc làm mới như hiện đại mà phải gìn giữ giá trị của di sản theo đặc trưng của từng tuyến phố và loại hình công trình.
"Nghĩa là phải có thiết kế cải tạo, chỉnh trang cho từng tuyến phố chứ không phải có quy định chung chung cho cả khu vực. Quản lý không phải chỉ về hình thức mà còn là cách thức khai thác và sử dụng giá trị của khu phố cổ", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Ông Đào Ngọc Nghiêm: "Đừng mới hóa di tích mà phải làm sao để nâng tầm giá trị của di tích đó". Ảnh: Khánh Chi. |
Nhắc lại chuyện quét vôi Tháp Rùa, chùa Trấn Quốc... khiến dư luận phản ứng, ông Nghiêm cho rằng những bài học này càng khẳng định thêm rằng đừng mới hóa di tích mà phải làm sao để nâng tầm giá trị của di tích đó.
Cũng theo ông Nghiêm, phố cổ có 6 hình thái kiến trúc (phong kiến, thuộc địa kiểu Pháp, nghệ thuật trang trí...), mỗi hình thái này đều có sự khác nhau không chỉ về không gian, chi tiết mà cả là màu sắc nên không thể sơn đồng màu trong khu phố cổ được.
Để gìn giữ chừng 1.000 công trình kiến trúc có giá trị trong khu phố cổ, ông Nghiêm dẫn giải: “Nhiều nước cũng đã thực hiện bằng cách hỗ trợ cho người dân tôn tạo nhà cổ theo hướng nhà nước đề xuất chứ không phải là người dân muốn làm gì thì làm, không phải là cứ sơn phết lên để đón chào sự kiện nào đó”.
Nhiều nhà trong khu phố cổ đang xuống cấp từng ngày nhưng thành phố vẫn chưa có quy hoạch chính thức bảo tồn. Ảnh: Khánh Chi. |
Đồng tình với quan điểm này, PGS TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng ví von: "Người phụ nữ dùng son phấn mà đẹp hơn thì cũng tốt, nhưng nếu cứ trát vào mà không hợp thì sẽ mất tác dụng. Đối với khu phố cổ, cần phải quy hoạch đồng bộ, nhất quán để làm sao bảo tồn được khu vực này".
Theo ông Hùng, phố cổ phải có màu của thời gian. Vì vậy, việc chọn màu nào để tạo sự hài hòa mới là điều quan trọng. Nguyên tắc của bảo tồn là để phát triển vốn cổ, làm tôn vẻ đẹp lên. Vì thế theo ông cần nghiên cứu lại lịch sử cũng như xem lại ảnh chụp cũ để đưa ra phương án tu bổ phù hợp.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Trần Thị Lan, Trưởng ban Tuyên truyền - Đối ngoại Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, Ban quản lý đang quét vôi, tháo bỏ những thứ mất mỹ quan trên tuyến phố Hàng Đào để tạo không gian thoáng đãng, đẹp mắt hơn.
"Khi thực hiện chỉnh trang bằng ngân sách nhà nước, chúng tôi cũng hỏi ý kiến người dân thì đa phần đồng tình. Hơn nữa, làm đẹp bề ngoài chẳng ảnh hưởng gì đến các nhà", bà Lan nói thêm.
Khu phố cổ Hà Nội rộng khoảng 100 ha với chừng 85.000 dân nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Trong toàn bộ khu 36 phố phường, hiện có khoảng 1.000 nhà có giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, do càng ngày mật độ dân số ở đây càng tăng khiến phố cổ xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo tồn di sản khu phố cổ, năm 1995, Bộ Xây dựng đã đưa ra nguyên tắc bảo tồn và trùng tu khu phố cổ. Năm 2004, khu phố cổ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di sản Lịch sử Quốc gia. Lộ trình xây dựng hồ sơ khu phố cổ Hà Nội để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đang được xây dựng. Tuy nhiên, những di tích trong khu 36 phố phường vẫn đang xuống cấp từng ngày trong khi thành phố vẫn chưa có quy hoạch chính thức bảo tồn khu vực này. |
Khánh Chi