Theo một cán bộ công an quận Ba Đình (Hà Nội), chỉ những vụ cháy có dấu hiệu hình sự như hủy hoại tài sản, hoặc làm chết người, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Còn những vụ cháy thông thường, do không nhận được sự hợp tác của chủ xe hoặc không có yêu cầu nên cơ quan công an ít điều tra.
Trong vụ cháy xe SH trên đường Kim Mã (Hà Nội), một ngày sau đó, người điều khiển xe vẫn không tới trình báo với cảnh sát. Vụ cháy xe Air Blade trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), một cán bộ công an phường Thượng Đình cho biết, cô gái có tới trụ sở trình báo. “Tuy nhiên, cô gái chỉ làm đơn trình báo sự việc, còn không yêu cầu gì khác”, cán bộ phường này nói.
Trong khi công an không "mặn mà" điều tra thì Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng không mạnh dạn lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng. TS. Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội cho rằng, căn cứ vào luật bảo vệ người tiêu dùng, Hội có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư phản hồi, khiếu nại, từ đó tư vấn, kiến nghị lên cơ quan quản lý để hỗ trợ giải quyết. Nếu nạn nhân của những vụ cháy xe không gửi đơn đề nghị, Hội rất khó để can thiệp.
Ông Tuấn thông tin, sau hàng loạt vụ cháy nổ xe vừa qua, mới có trường hợp duy nhất người nhà của chị Nguyễn Thị Quỳnh ở Bắc Ninh gửi đơn phản ánh lên Hội bảo vệ người tiêu dùng. Ngay sau đó, Hội đã phản hồi ý kiến sang phía Honda và công ty này đã xuống thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân 50 triệu đồng.
"Vụ cháy xe ở Bắc Ninh vừa qua, cả cơ quan công an, Viện Khoa học hình sự đều vào cuộc song nguyên nhân chính thức chưa được công bố. Phía Honda cho biết sản phẩm của họ qua kiểm tra không bị lỗi kỹ thuật", ông Tuấn nói.
![]() |
Nguyên nhân các vụ xe cháy chưa được làm rõ, gây hoang mang cho người sử dụng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhìn nhận về hiện tượng xe máy cháy hàng loạt ở miền Bắc, ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Đăng kiểm cho rằng ôtô, xe máy bị cháy nổ không phải là hiếm gặp trên thế giới. "Ở khu vực phía bắc gần đây có một số vụ cháy nổ xe. Nguyên nhân vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên chúng tôi chưa có được kết luận", ông Đức nói.
Cục phó Đăng kiểm cho hay, theo quy định về đăng kiểm chất lượng xe cơ giới, nếu chiếc xe mẫu của doanh nghiệp được kiểm tra, thử nghiệm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cùng với kết quả của việc đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất phù hợp với quy định thì Cục sẽ cấp Giấy chứng nhận cho kiểu loại xe đó.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất được phép lắp ráp, tự kiểm tra và cung cấp ra thị trường các xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt và có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận. Hiện Việt Nam chưa thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật định kỳ đối với xe máy đang sử dụng như nhiều nước trên thế giới.
"Còn việc kiểm tra công tác duy trì hệ thống kiểm tra chất lượng các xe sản xuất hàng loạt của doanh nghiệp không chỉ được Cục Đăng kiểm tiến hành khi có khiếu kiện hoặc khi xảy một vụ việc nào đấy mà được tiến hành định kỳ hàng năm", ông Đức nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Ích, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, cũng cho biết, Bộ chưa có chỉ đạo về các vụ cháy nổ xe do chưa biết nguyên nhân cụ thể. "Chúng tôi chờ Cục Đăng kiểm làm rõ, mới xem xét hướng xử lý", ông Ích nói.
Đề cập tới nguyên nhân cháy nổ, hiện cơ quan chức năng cũng đưa ra hàng loạt giả thiết. Cục phó Đăng kiểm Đỗ Hữu Đức cho rằng do va chạm, đâm xe; do ống xả của xe tiếp xúc trực tiếp với vật liệu dễ cháy trên đường như túi nylon, rơm rạ... Phổ biến nhất là nhiên liệu bị rò rỉ, bị trào vào các bộ phận phát tia lửa điện, do chủ phương tiện không thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa xe định kỳ; dùng xăng pha không đúng tiêu chuẩn làm hỏng ống cao su dẫn xăng...
Một nguyên nhân quan trọng khác là hệ thống điện bị chập, cháy do tự ý thay đổi kết cấu, trang bị điện của xe; sử dụng phụ tùng, dây dẫn điện không rõ nguồn gốc; sửa chữa, đấu nối điện không đúng kỹ thuật.
Để hạn chế cháy nổ, Cục phó Đăng kiểm Đỗ Hữu Đức khuyên người tiêu dùng tuyệt đối không lắp đặt thêm các thiết bị khác so với xe do nhà sản xuất chế tạo; định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa xe theo đúng quy định; không sử dụng nhiên liệu, phù tùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng ngày cần kiểm tra sơ bộ tình trạng các bộ phận chính liên quan đến an toàn như phanh, rò rỉ nhiên liệu, điện... của xe trước khi tham gia giao thông.
Còn Phó tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Vương Ngọc Tuấn thì khuyên: "Trước khi mọi chuyện được làm sáng tỏ, người tiêu dùng nên cảnh giác, thận trọng để tự bảo vệ bản thân", ông Vương Ngọc Tuấn nói.
Sáng 1/12, tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) xảy ra vụ nổ xe máy làm một phụ nữ mang thai tử vong, cháu bé 4 tuổi bị thương nặng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh dắt chiếc Honda Dream mới mua được hơn nửa năm ra cổng để đi làm và tiện đường đưa cô con gái 4 tuổi đi mẫu giáo. Khi chị Quỳnh vừa nổ máy đi được vài mét, xe bỗng phát nổ, bắn văng mẹ con chị ra xa, lửa trùm lấy hai nạn nhân. Vài tiếng sau khi được cấp cứu, chị Quỳnh tử vong cùng thai nhi 3 tháng tuổi. Còn cháu bé bị gẫy lìa một chân, được điều trị tại Viện bỏng Quốc gia trong tình trạng viêm nhiễm toàn thân rất nặng, đa chấn thương. Sau đó, cháu bé đã tử vong. |
Đoàn Loan - Xuân Ngọc