"Thầy pháp" làm phép cho gạo vào khinh thuyền trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín. |
Ngày 22/4, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia; đình làng An Vĩnh - nơi bàn bạc, tuyển chọn binh phu đi Hoàng Sa năm xưa cũng được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Theo ông Vũ, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ tồn tại lâu đời trong các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn mà còn là lễ thức dân gian, văn hóa tín ngưỡng độc đáo, diễn ra hàng năm tại các địa phương ven biển ở Quảng Ngãi. Nơi nào có binh phu đi Hoàng Sa năm xưa thì nơi đó hàng năm đều diễn ra nghi lễ này.
"Nếu để chia tay những người đăng lính thì đó là lễ thức khao lề thế lính. Còn nếu tưởng niệm người đăng lính đã bỏ mình trên dặm dài sóng nước, thì đó là lễ thức khao lề tế lính", ông Vũ nói và cho biết, thế lính là nghi lễ mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải luôn luôn đối mặt với cái chết.
Thổi ốc U cầu nguyện cho binh phu Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín. |
Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm nay nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tưởng nhớ, tri ân những hùng binh đã hy sinh khi vâng mệnh triều đình hàng năm ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Ngoài đua thuyền tứ linh, lễ cáo yết nghinh thần, cầu siêu cho các binh phu Hoàng Sa, Trường Sa, thả hoa đăng tri ân Hải đội Hoàng Sa, "Tuần lễ Văn hóa biển đảo" còn có nhiều hoạt động thể thao, văn hóa dân gian, cùng Hội thảo quốc tế về chủ quyền lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Dự kiến có hơn 2.000 du khách trong nước và quốc tế đến huyện đảo Lý Sơn trong dịp diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày 27 - 28/4.
Trí Tín