Sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời về việc hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh giao thông công cộng, nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm, mời Bộ trưởng vi hành xe buýt vào giờ tan tầm.
Bạn đọc Nguyễn Cường cho biết rất muốn đi xe buýt đi làm, nhưng sau một thời gian thấy khổ sở vô cùng vì tình trạng chen lấn, xe bỏ bến. "Nhiều hôm trời mưa chờ dài cả cổ, đến khi có xe thì xe chỉ ghé vào bến và không mở cửa. Các lái xe gọi điện cho nhau thông báo chỗ này, chỗ kia tắc, vậy là gần đến vị trí đó (không biết có tắc hay không) họ đuổi khách xuống hết để quay đầu", độc giả Cường phản ánh và đề nghị Bộ trưởng muốn biết thực tế hãy vi hành vào giờ cao điểm trong một tháng thì sẽ rõ.
Dẫn ra phát biểu ngày 3/8 khi ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Thăng từng nói "Lâu rồi tôi cũng chưa đi phương tiện giao thông công cộng nhưng tới đây tôi sẽ đi loại hình này để có nhận xét, đánh giá khách quan", độc giả Nguyễn Hải Đông trân trọng mời Bộ trưởng bớt chút thời gian cùng ông đi xe buýt một lần vào giờ tan tầm để cảm nhận giao thông công cộng ở thủ đô.
Xe buýt ở Hà Nội thường xuyên quá tải. Ảnh: Hoàng Hà. |
Độc giả Đông cho hay, ông là công chức, 7 năm nay vẫn đi làm bằng xe buýt từ Mai Động tới Hà Đông (Hà Nội). "Tôi xin chia sẻ trước một số bất tiện nhỏ ngài có thể gặp phải trên hành trình của chúng ta. Bộ trưởng có thể phải chen lấn lên xe bởi lượng người rất đông, mùi xe khó chịu, ghế ít và ngài sẽ phải đứng. Bộ trưởng nhớ bám chắc không chúng ta sẽ văng từ giữa xe lên đầu xe bởi những cú phanh gấp khi có xe máy tạt đầu hoặc xe bus nhấn ga lấn làn vượt xe khác. Bộ trưởng đừng để ý nếu nghe tiếng chửi thề của bác tài, phụ xe với người đi đường và ngược lại", bạn đọc này viết.
Độc giả Hải Đông tiếp tục chia sẻ: "Bộ trưởng hãy kiên nhẫn đứng vì chắc chắn chúng ta kẹt cứng ở đường Trường Chinh. 7 năm nay ngày nào tôi đi làm về cũng vậy, có hôm xe buýt đứng trơ giữa đường hơn một tiếng nhưng rồi tôi cũng thở phào về khi tới nhà, vỡ òa trong tiếng reo của 2 cháu nhỏ nhà tôi. Bộ trưởng đứng trên xe cũng có thể tranh thủ đánh mắt ra ngoài cửa sổ, ngài đừng phiền lòng khi mấy hôm nay trời mưa đường bẩn, hàng chục ngàn người chen nhau cướp từng nửa bánh xe tiến lên phía trước. Những cháu nhỏ được đón ở trường về lả vào lưng cha mẹ, thiếp đi trong khói xe nồng nặc".
Chung bức xúc về xe buýt, phương tiện công cộng chủ đạo hiện nay, độc giả Đức Long phản ánh: "Xin thưa với Bộ trưởng, xe buýt giờ cao điểm toàn bỏ bến, sinh viên vào học từ 7h mà ra khỏi nhà từ 5h30 để đón xe. Mỗi xe buýt loại 60 chỗ chở trên 100 người toàn phải đứng một chân. Không hiểu sao với các loại hình vận tải hành khách khác nếu chở quá tải thì bị phạt rất nặng nhưng xe buýt thì không bị phạt khi chở quá tải".
Đi xe máy hết 30 phút nhưng xe buýt hết 4 tiếng là ghi nhận của độc giả Vũ Xuân Phương. "Tôi rất ủng hộ xe buýt, đã đi nhiều nhưng thấy bất tiện quá. Nhà tôi ở thị trấn Yên Viên, làm việc ở gần Viện 108. Nếu đi xe buýt mất 2 tiếng, gồm đi bộ ra bến 10 phút, đi bộ từ bến vào cơ quan 10 phút, chờ xe bình quân 20 phút. Như vậy một ngày mất 4 tiếng đứng liên tục để đi về", bạn Phương viết.
Độc giả này cũng đề xuất, nếu Bộ trưởng khắc phục được vấn đề trên thì rất tốt. Để thực hiện tốt việc sử dụng vận tải công cộng, cần điều chỉnh lệch giờ làm việc mới giảm tải giờ cao điểm. Ví dụ, học sinh, sinh viên từ 7h đến 16h30, công chức làm việc từ 8h đến 17h30.
Trước đó ngày 5/10, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, để giảm tình trạng ùn tắc hiện nay ở các thành phố lớn, Bộ đã đưa ra các biện pháp như hạn chế phương tiện cá nhân, tăng vận tải công cộng, đột phá về đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong quý 1/2012, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Thủ tướng đề án giảm phương tiện cá nhân và sẽ được đưa ra công luận để người dân đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận.
Trước phản ánh phương tiện công cộng chủ đạo là xe buýt thường xuyên bỏ bến, không đáp ứng nhu cầu người dân, Bộ trưởng Thăng bày tỏ, để hạn chế xe cá nhân thì không thể chờ vận tải công cộng phát triển hiện đại. "Tôi vẫn đi tàu hỏa, tàu thủy, xe buýt. Tôi mới đi xe buýt 2 tuyến, khi lên lái xe nói chuyện rất vui vẻ", ông nói và cho biết trước mắt, ngành giao thông vận động cán bộ, viên chức mỗi tuần ít nhất một ngày đi phương tiện công cộng.
Đoàn Loan