Sau khi tham gia kiểm tra hiện trường tòa cao ốc Hanoi Landmark Tower và xem xét các tài liệu liên quan tới các vụ tai nạn, ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Kỹ thuật, giám định chất lượng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, vụ tai nạn đầu tiên xảy ra trên tầng 15 vào lúc 21h ngày 21/7.
Khi đó 2 công nhân đang lắp đặt cốp pha (không đeo dây an toàn), đứng mép biên tòa nhà thì tấm ván gỗ và một bộ phận dàn giáo bị trượt nên cả 2 công nhân rơi xuống theo tấm cốp pha. Do kích cỡ lớn nên cả tấm cốp pha đã phá rào chắn, rơi qua lưới an toàn rơi xuống mặt đất.
Tầng 15 là tầng cao nhất đang được xây dựng của tòa nhà cao 48 tầng, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng số 1 (COFICO).
Công trường thi công tòa nhà cao nhất Việt Nam. Ảnh: Anh Thư. |
Theo cơ quan chức năng, vụ tai nạn tiếp theo xảy ra lúc 15h ngày 22/7 cũng khiến một cán bộ kỹ thuật chết tại chỗ, một công nhân khác tử nạn tại bệnh viện. Khi đó hai người này đang làm việc tại lồng cầu thang tầng 4, không có dây an toàn nên đã bị rơi xuống đất. Sự việc này xảy ra tại tòa tháp 70 tầng do Công ty CP Xây dựng địa ốc Hòa Bình thi công.
"Công nhân gặp tai nạn có thể bất cẩn, tuân thủ không đúng quy trình lắp dựng cốp pha. Ngoài ra, có thể khâu giám sát kiểm tra của chủ đầu tư, đơn vị giám sát chưa làm tròn trách nhiệm. Do vậy, người công nhân phải được học tập công nghệ mới, nhất là thi công tại khu vực cao tầng", ông Huy nói.
Chiều 22/7, sau vụ tai nạn thứ hai xảy ra, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và chủ đầu tư Keangnam Vina đã thống nhất đình chỉ thi công trên công trường để phục vụ điều tra.
Sau khi làm việc với chủ đầu tư - tập đoàn Keangnam Vina chiều 23/7, lãnh đạo Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục hậu quả đối với nạn nhân, giữ nguyên hiện trường để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, chủ đầu tư phải kiểm tra toàn bộ các hạng mục an toàn lao động trên công trình, chấn chỉnh lại hệ thống rào chắn...
Theo bà Nguyễn Thị Phúc, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, 3 công nhân thiệt mạng đều có hợp đồng lao động ngắn hạn (3 tháng), người cán bộ kỹ thuật có hợp đồng dài hạn (3 năm). Cơ quan này đang tiến hành làm rõ công việc của người lao động có phù hợp với loại hình hợp đồng đã ký kết với chủ sử dụng hay không.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, trong quá trình xây dựng, hiện nhiều chủ đầu tư, nhà thầu mới chú ý chất lượng, giá cả mà ít chú ý đến an toàn lao động. Tòa nhà càng cao thì vấn đề an toàn càng phải siết chặt, bởi có thể nảy sinh bệnh "sợ độ cao" với công nhân xây dựng. |
Đoàn Loan