Ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Ảnh: K.C |
Quyết định được Thành ủy TP HCM thông qua sáng 19/11 và giao cho Ban cán sự Đảng UBND TP HCM thực hiện. Đồng thời, Thành ủy cũng chỉ đạo Ủy ban tập trung điều hành, củng cố nhân sự Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố để tổ chức thực hiện dự án bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình.
Trước khi có quyết định này, ông Sĩ là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm nhiệm Giám đốc dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố.
Động thái của TP HCM diễn ra đúng một tuần sau khi Thủ tướng trả lời chất vấn về vấn đề này trước Quốc hội.
Ngày 12/11 báo chí Nhật Bản đưa tin, các cựu lãnh đạo công ty tư vấn Nhật Bản PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP HCM.
Theo nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, phiên xét xử đầu tiên tại tòa án quận ở Tokyo có 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI), gồm cựu Chủ tịch Masayoshi Taga, cựu Giám đốc điều hành Kunio Takasu, cựu Tổng giám đốc Haruo Sakashita và ông Tsuneo Sakano, từng là trưởng văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội. 4 nhân vật này, tuổi đời từ 59 đến 65, bị buộc tội vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có điều nghiêm cấm hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài. Cả 4 người đều thừa nhận mình phạm tội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Làm rõ tới đâu xử lý tới đó" Trong phiên chất vấn trực tiếp sáng 13/11 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã đề nghị Thủ tướng cho biết tiến độ, kết quả phối hợp của Việt Nam và Nhật Bản trong việc điều tra cáo buộc đưa và nhận hối lộ liên quan đến cán bộ Việt Nam và quan chức Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (PCI). Thủ tướng cho biết, ngay sau khi báo chí Nhật Bản loan tin, ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ, đề nghị phía bạn chuyển hồ sơ để Việt Nam xử lý, không thể để công dân Việt Nam bị cơ quan tư pháp nước khác điều tra. Sau thời gian dài, phía Nhật Bản mới gửi hồ sơ, nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý. "Tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, làm rõ tới đâu xử lý tới đó. Để đấu tranh chống tiêu cực trong sử dụng vốn ODA, ta và Nhật đã lập ủy ban phối hợp". |
Các công tố viên trước đó đã buộc tội PCI phóng đại chi phí cho các dự án ODA. Tổng số tiền hối lộ được cho là 2,43 triệu USD.
Trong ngày xử đầu tiên (11/11), các công tố viên cho biết PCI thừa nhận từng đưa cho một cán bộ có liên quan đến việc giám sát các công trình xây dựng ở TP HCM 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng.
Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản để điều tra làm rõ và xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam.
Trong cuộc họp báo Chính phủ hôm qua, liên quan đến vụ PCI, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP HCM sớm giải quyết đúng pháp luật.
Đại lộ Đông Tây được khởi công xây dựng vào ngày 31/1/2005 sau gần 8 năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng. Vị trí tuyến dự án đi qua địa bàn quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội quận 2, tổng chiều dài toàn tuyến là 21,89 km. Đặc biệt dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á. Dự kiến hoàn tất dự án vào tháng 2/2008 nhưng phải dời lại đến đầu năm 2010.
Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Đơn vị thi công là liên doanh Obayashi - P.S. Mitsubishi JV và Obayashi Corporation (đều thuộc Nhật Bản). Tư vấn lập thiết kế - tổng dự toán là liên danh công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI, Nhật Bản), công ty tư vấn Phương Đông (Nhật Bản), tổng công ty tư vấn Thiết kế giao thông vận tải, công ty công nghệ Môi trường. Cơ quan thẩm tra phương án thiết kế kỹ thuật: Cục giám định - Bộ Giao thông vận tải.
Kiên Cường - Đức Quang