- Có mặt ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 từ lúc bắt giữ toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn cho tới lúc Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, những ký ức nào còn in đậm với ông?
- Khoảng 6h sáng 30/4, chúng tôi đến cầu Sài Gòn. Lực lượng địch ở đây rất mạnh với xe tăng, hỏa điểm chống tăng, ụ súng lô cốt, tàu hải quân ở dưới sông bắn vào đội hình quân giải phóng. Lúc đó tôi là đại úy, Trung đoàn phó chỉ huy đội hình đi đầu đã triển khai bộ binh, xe tăng, tiêu diệt được 4 xe tăng. Nhưng chúng ta cũng bị thiệt hại 2 xe tăng, mất trên 10 người, trong đó có đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng hy sinh ngay trên tháp pháo.
Sau khoảng một giờ chiến đấu, tiêu diệt được các cứ điểm của đối phương làm chúng bỏ chạy, chúng tôi vượt cầu Sài Gòn, đến ngã tư Hàng Xanh thì không biết đường vào dinh Độc Lập, nên phải vừa đi vừa hỏi dân chúng. May lúc đó có một người đàn ông cầm lá cờ sao vàng từ Thảo Cầm Viên ra. Ông xin được lên xe chỉ đường. Khi tiến đến gần dinh, thấy chiếc xe tăng 390 tông thẳng vào cổng, xe Jeep của tôi cũng lao theo. Mục đích là đánh chiếm được địa điểm nào thì cắm cờ ở đó, lúc này chúng tôi chưa biết chính quyền Dương Văn Minh ở đây.
Khi lên đến tầng 2, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông ta nói: "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc".
Đại úy Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Khi vào bên trong, ông Hạnh giới thiệu Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tổng thống Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Ngay lập tức, tôi trả lời: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả".
Nghĩ đến trước đây, khi giải phóng địa phương nào đều bắt chính quyền ở đó tuyên bố đầu hàng trên phát thanh, tôi buộc Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng. Lúc chúng tôi trở về từ đài phát thanh, người dân Sài Gòn đã đổ ra đường mừng chiến thắng. Cảnh tượng rất xúc động.
- Ông nghĩ đến điều gì đầu tiên khi Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng?
- Ngay từ khi chúng tôi ập vào dinh Độc Lập, Dương Văn Minh đã tỏ thái độ rất lo sợ. Khi chúng tôi chiếm được dinh, quân giải phóng ầm ầm tiến vào, nổ súng ăn mừng. Dương Văn Minh không muốn ra đài phát thanh.
Lúc ở đài phát thanh, nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi vỡ òa sung sướng. Nghĩ đến việc từ nay đất nước hoàn toàn giải phóng, được về với bố mẹ, với gia đình sau nhiều năm không tin tức, thư từ, cảm giác hạnh phúc đó không dễ gì tả được.
- Được lịch sử nhắc đến như một nhân vật nổi bật của ngày giải phóng, điều đó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời binh nghiệp của ông?
- 30/4/1975 là ngày không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Còn đến được Dinh Độc Lập là điều may mắn. Nhiều lần, tôi đã cận kề cái chết trong các trận đánh. Không chỉ có vậy, để tôi có được cơ hội vào dinh làm nhiệm vụ, biết bao đồng đội đã mất đi mạng sống. Có nhiều người hy sinh ngay khi chiến thắng đã cận kề, họ mới xứng đáng là người được nhắc đến nhiều nhất.
"Quân đội Việt Nam mạnh hơn thời chúng tôi rất nhiều". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Đến lúc này, còn điều gì ông thấy nuối tiếc?
- Tôi có hơn 40 năm trong quân ngũ. Thanh niên chúng tôi ngày ấy hừng hực khí thế vào Nam đi đánh Mỹ. Năm 1972, do bị thương nặng tôi được đưa ra Bắc điều trị và được phục viên. Nhưng ở nhà buồn quá, tôi nói dối gia đình để trở lại chiến trường và ở luôn trong đó đến khi chiến tranh kết thúc.
Trên cương vị người chỉ huy, tôi còn nhiều điều cảm thấy nuối tiếc vì chưa làm được trong những ngày chiến trận ấy. Trăn trở nhất là trong chiến đấu rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Tôi đã chỉ huy chưa tốt để trận đánh chưa kết thức trọn vẹn, để đồng đội thương vong.
Tôi được sống trong hòa bình, có gia đình hạnh phúc, nhưng nhiều đồng đội còn nằm lại chiến trường, thậm chí lấy được hài cốt rồi thì mất tên, mất quê quán. Năm 2009, vào dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Thượng Đức (Quảng Nam) tôi đã xin được tạ tội với các anh em, đồng chí.
Khi đi bộ đội tôi mới học hết lớp 7, sau này hòa bình lập lại, tôi được cấp trên tạo điều kiện cho đi học tiếp, rồi sang Liên Xô học. Tôi luôn luôn truyền đạt lại kinh nghiệm, kiến thức của mình cho cấp dưới, kể lại cho họ những câu chuyện mà đồng đội tôi đã làm, đã chiến đấu, hy sinh. Ngay bây giờ quân đội muốn chúng tôi huấn luyện cho chiến sĩ, chúng tôi sẵn sàng lăn, lê, bò, toài để truyền lại kinh nghiệm cho các em, các cháu.
"Có mặt ở Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 là điều may mắn đối với tôi". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Nhiều năm trực tiếp chiến đấu và đảm nhiệm cương vị Tư lệnh quân khu trong thời bình, ông đánh giá như thế nào về sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay?
- Tôi cho rằng nền kinh tế của một quốc gia mạnh thì quốc phòng cũng sẽ mạnh. Chúng ta đều thấy đội ngũ sĩ quan ngày nay hơn xưa nhiều. Họ được thừa hưởng những kinh nghiệm chống ngoại xâm, dựng nước và giữ nước của cha ông. Họ đều có trình độ đại học, không còn ai trình độ lớp 7, 8 như xưa. Chúng tôi thời ấy làm đại úy rồi mới học hết lớp 7, đại tá mới lớp 10 thôi.
Hơn nữa, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, có điều kiện trang bị tối tân cho quân đội. Một khi trí tuệ phát triển hơn, trang bị tốt hơn, lại được thừa hưởng kinh nghiệm của cha ông đi trước thì tôi tin tưởng rằng, quân đội nhân dân Việt Nam mạnh hơn rất nhiều so với chúng tôi ngày xưa.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947 ở Khả Phong (Kim Bảng, Hà Nam), nhập ngũ tháng 8/1967 khi vừa tròn 20 tuổi. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự chính trị tại Đà Lạt năm 1977, có thời gian tu nghiệp ở Học viện Quân sự Liên Xô và đã chiến đấu trong 6 chiến dịch của chiến trường miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975. Tướng Thệ nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Thiếu tướng - Tư lệnh Quân đoàn 2 rồi Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 1. Năm 2008 ông nghỉ hưu sau 42 năm trong quân ngũ. Ông vinh dự nhận nhiều huân chương Chiến công, Quân công cao quý của Đảng và Nhà nước. Tháng 4/2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. |
Nguyễn Hưng - Hoàng Thùy