- Với tư cách một người cha, khi xem hình ảnh cháu Hào Anh bị đánh đập, cảm xúc của ông thế nào?
- Tôi thấy rất đau đớn và thương tâm khi nhìn thân thể cháu Hào Anh trên báo và truyền hình. Tôi không thể tưởng tượng trên đời lại có kẻ độc ác, nhẫn tâm như vậy. Song song với cảm giác căm phẫn hai vợ chồng tàn bạo, độc ác mất tính người kia là nỗi buồn về công tác phòng ngừa, sự lơ là của những nhà chức trách và đoàn thể chính quyền xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) và một số địa phương trước vấn nạn bạo hành trẻ em đang xảy ra.
- Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Cục và Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã làm những gì với trường hợp của Hào Anh?
- Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bộ và Cục đã chỉ đạo địa phương phải can thiệp ngay để cứu giúp cháu Hào Anh trong việc chữa trị thương tích, tư vấn tâm lý và hỗ trợ về vật chất, tinh thần. Cục đã gửi công văn và điện thoại chỉ đạo vào Cà Mau thông qua Sở Lao động Thương Binh và Xã hội.
Trong đó, Cục yêu cầu Sở và cơ quan có trách nhiệm tại địa phương phải phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể đã để xảy ra sự việc này, trừng trị nghiêm khắc kẻ ác đã hành hạ trẻ em, đã vi phạm pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ ngay 5 triệu đồng để giúp Hào Anh.
Ông Nguyễn Trọng An: "Không thể tưởng tượng trên đời lại có kẻ độc ác, nhẫn tâm như cặp vợ chồng đã hành hạ cháu Hào Anh". Ảnh: Hồng Khánh. |
- Dư luận cho rằng một trong nhiều nguyên nhân khiến nạn bạo hành gia tăng là sự thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh. Trường hợp của Hào Anh, người dân xung quanh biết, nhưng phải 6 tháng sau kể từ khi bị đánh đập, họ mới tố cáo. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng là qua sự việc này cho thấy có sự thờ ơ vô cảm của những người sống trong vùng đó, sự chậm chạp, lúng túng và chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đoàn thể xã Ngọc Chánh trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các địa phương nên lấy đây là bài học để rà soát, kiểm điểm lại trách nhiệm chính quyền, đoàn thể tại cơ sở của mình trong việc bảo vệ, chăm sóc và phát hiện kịp thời vụ hành hạ, ngược đãi trẻ.
Thực tế cho thấy công tác bảo vệ trẻ em hiện nay vẫn chủ yếu tiếp cận theo hướng giải quyết từng em có hoàn cảnh đặc biệt, từng vấn đề nảy sinh. Đối với từng trường hợp cụ thể, các biện pháp, hành động phần lớn đưa ra vào lúc hậu quả đã xảy ra, trẻ em đã bị lạm dụng.
- Ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn về bảo vệ chăm sóc trẻ em nơi Hào Anh bị hành hạ?
- Bảo vệ chăm sóc tốt trẻ em là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá trình độ tổ chức, trình độ văn minh của một xã hội, một cộng đồng người. Theo tôi, mỗi cán bộ chính quyền, đoàn thể tại địa phương là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức đời sống xã hội của người dân trong không gian chung, nhà chức trách công giữ vai trò chủ đạo trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Do vậy cần kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể tại xã Ngọc Chánh nói riêng và huyện Đầm Dơi nói chung.
Hiện ý thức chấp hành luật pháp và các quy định của người dân chưa nghiêm, tôi muốn nhắc đến Chỉ thị số 1408 của Thủ tướng ký ngày 1/9/2009 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có điều: “Nếu ở địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em thì chủ tịch tỉnh đó phải chịu trách nhiệm”. Nhưng trên thực tế qua vụ việc em Hào Anh này thì ngay ông chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm đến đâu chúng ta cũng phải chờ xem.
- Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ loại tội xâm phạm thân thể người khác bị xử lý còn nhẹ, không đủ tính răn đe. Nếu tái phạm thì chỉ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Quan điểm của ông thế nào?
- Đúng là pháp luật nước ta về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng những vấn đề nảy sinh và ngày càng hài hoà với công ước Liên hợp quốc, nhưng còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; thiếu sự phân công trách nhiệm, phân cấp thực hiện rõ ràng, chưa ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.
Các chế tài xử phạt trong từng trường hợp có thể còn chưa phù hợp, chúng ta sẽ từng bước nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Trong trường hợp cụ thể của Hào Anh, tôi đề nghị các cơ quan điều tra cần xem xét tính nghiêm trọng và man rợ của cặp vợ chồng mất tính người này mà để ở khung hình phạt cao nhất để nghiêm trị và răn đe kẻ khác.
Điều 110 Bộ luật hình sự. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Hồng Khánh thực hiện