![]() |
Bác sĩ Nguyễn Trọng An. Ảnh: H.K. |
Phó cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Nguyễn Trọng An đã trao đổi với VnExpress về việc này.
- Thưa ông, lý do nào khiến Cục nghiên cứu, đề xuất việc tăng thời gian nghỉ sau sinh của phụ nữ?
- Trước hết phải dựa vào Quyền được bú sữa mẹ của trẻ em theo Công ước Quốc tế mà Chính phủ đã cam kết, tiếp theo là sức khoẻ của em bé sẽ bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc bệnh cao nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn.
Theo quy định hiện nay, bà mẹ là cán bộ, công chức, viên chức chỉ được nghỉ sau sinh 4 tháng. Thời gian còn lại cho đến khi trẻ 12 tháng tuổi mẹ phải đi làm, việc chăm sóc trẻ em tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, hệ thống nhà trẻ công lập chưa thể đáp ứng. Đặc biệt trẻ cần phải được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì bà mẹ không thể đảm bảo được. Điều này rất không tốt cho sức khoẻ của bé cũng như của mẹ. Mặt khác, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thuộc hàng cao nhất thế giới, trong đó nguyên nhân một phần là trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh mới là từ phía Cục, vậy đến bao giờ nó mới trở thành hiện thực?
- Để có được một lộ trình cho chính sách này cần có các nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục do không được bú sữa mẹ đầy đủ gây ảnh hưởng về sức khỏe của trẻ em trong năm đầu, nhu cầu nghỉ của bà mẹ, sức ép công việc của doanh nghiệp, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, hoặc bị chết trong năm đầu... thì mới có cơ sở xây dựng đề án trình lên lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và trình Chính phủ vào năm tới được.
Mặt khác, để làm được điều này thì phải có tiếng nói chung từ nhiều Bộ ngành có liên quan như Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổng liên đoàn Lao động, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên nhi đồng, và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
- Thực tế, việc cho phép phụ nữ nghỉ sinh con 6 tháng từng được áp dụng, nhưng sau đó lại rút xuống 4 tháng. Theo ông, tại sao lại có sự thay đổi này?
- Từ trước năm 1983, lúc đó bà mẹ chỉ được nghỉ đẻ 2 tháng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng rất cao, trên 50%. Tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi cũng rất cao, trên 81 phần nghìn. Giáo sư Từ Giấy, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia thời đó đã đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và đệ trình Chính phủ tăng thời gian nghỉ sau sinh lên 6 tháng. Phó thủ tướng Chính phủ Tố Hữu khi đó đã ký ban hành quyết định vào năm 1985. Nhưng vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 90 Chính phủ lại giảm thời gian nghỉ đẻ xuống còn 4 tháng.
- Hiện đời sống đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện. Sức ép lao động, tiền lương cũng không căng thẳng như trước. Vậy tại sao Cục không đề nghị tăng thời gian nghỉ đẻ lên 8 tháng, thậm chí 1 năm như một số nước?
- Chúng tôi cố gắng đề nghị để chị em được nghỉ 6 tháng như trước kia với lý do 6 tháng là thời gian tối thiểu để trẻ được hưởng nguồn sữa mẹ theo Quyền của trẻ em, sức khoẻ của trẻ em đủ để có thể ăn được thức ăn bổ sung hoặc thay thế sữa mẹ. Bà mẹ cũng có đủ thời gian hồi phục sau đẻ, đảm bảo bình đẳng giới...
Tuy nhiên, không phải ai cũng mong được nghỉ nhiều hơn. Bởi nước ta còn nghèo, quỹ phúc lợi xã hội còn eo hẹp, nhiều chị, nhất là những người làm việc ở cơ sở liên doanh với nước ngoài, muốn đi làm sớm để có đồng lương cao hơn, thay vì phải nghỉ ở nhà. Do vậy nghỉ 6 tháng là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
- Bao giờ Bộ Lao động trình lên Chính phủ đề án này?
- Viện dinh dưỡng Quốc gia đang tiến hành các nghiên cứu tại khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai để xem các bà mẹ phải đi làm như thế nào, sau khi nghỉ sinh thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi, các doanh nghiệp có tìm người thay thế khi lao động nữ nghỉ sinh không…
Nếu sớm có kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia vào cuối năm nay và có sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành liên quan thì có thể đầu năm 2009 hoặc chậm là cuối năm sau, chúng tôi sẽ đề xuất lên Chính phủ đề án này.
Hồng Khánh thực hiện