Ngày 10/3, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết vừa làm đơn gửi một số cơ quan chức năng như Bộ Công an, Công an và UBND TP Hải Phòng xem xét lại mức kỷ luật của ông Nguyễn Văn Khanh. Hơn nửa tháng trước, ông Khanh bị cách chức Phó chủ tịch, huyện ủy viên huyện Tiên Lãng do có liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang.
Bà Hiền cho biết, bà và chị dâu làm đơn là do trước khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất, họ nghe ông Đoàn Văn Vươn nhắc nhiều về việc ông Khanh từng phản đối quyết định thu hồi và cưỡng chế đầm mà Huyện ủy Tiên Lãng đã ban hành. “Tôi được biết ông Khanh và một người khác ở Viện kiểm sát do phản đối từng bị đuổi ra khỏi cuộc họp. Nhưng không hiểu sao hôm đó ông Khanh vẫn dẫn đầu đoàn cưỡng chế?”, bà Hiền đặt câu hỏi.
Theo người phụ nữ này, do là trưởng đoàn cưỡng chế nên ông Khanh vẫn phải chịu hình thức kỷ luật của cấp trên. Tuy nhiên, họ cho rằng hình thức cách chức Phó chủ tịch huyện, huyện ủy viên là nặng nên đề nghị xem xét giảm mức kỷ luật.
Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng tại buổi nhận quyết định tạm đình chỉ công tác. Ảnh: Thái Thịnh. |
Trước đó, Liên chi hội thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng từng không đồng tình với việc xử lý ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng vì cho rằng ngày 18/10/2010 và liên tiếp trong năm 2011, ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đất. "Nhưng Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng buộc ông Khanh làm trưởng đoàn cưỡng chế là có vấn đề không lành mạnh cần xem xét", văn bản do Phó chủ tịch Liên chi hội Lương Văn Trong ký ngày 7/2 nêu rõ.
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, người tham gia giám sát việc thực hiện kết luận của Thủ tướng cho hay, chưa biết việc gia đình bà Thương và Hiền làm đơn gửi cơ quan chức năng xem xét lại mức kỷ luật đối với ông Khanh. Tuy nhiên, theo ông Vinh việc kỷ luật cơ quan chức năng đều phải căn cứ vào các hành vi, quy định của Luật cán bộ công chức để không xảy ra tình trạng oan sai. Cán bộ có trách nhiệm và vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó.
“Việc công dân đề nghị thế nào các cơ quan chức năng phải tiếp nhận hồ sơ để nghiên cứu và trả lời. Đến nay, người bị kỷ luật vẫn chưa có đơn từ gửi các cơ quan chức năng…”, ông Vinh nói.
Phó trưởng đoàn Quốc hội Hải Phòng cho rằng, việc thực hiện kết luận của Thủ tướng, thành phố và huyện Tiên Lãng làm khá nghiêm túc. Theo quy định đề ra vụ việc phải giải quyết trước 31/3, song đến nay việc xử lý cán bộ vi phạm cơ bản đã hoàn thành. Còn việc điều tra ai phá nhà ông Vươn cơ quan điều tra đang làm rõ.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 10/2, sau cuộc họp với các bộ ngành, Thủ tướng kết luận, các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang đều trái luật và yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn. |
Thái Thịnh