Phiên tòa xét xử vụ vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức khép lại hôm 29/6, cậu bé nhỏ thó ngoái nhìn những kẻ thủ ác lầm lũi rời tòa lên xe bít bùng, thở dài rồi trở về Trung tâm bảo trợ xã hội Cà Mau, nơi Hào Anh bắt đầu một cuộc sống tươi đẹp.
Những kẻ hành hạ mình đã bị trừng trị nhưng Hào Anh vẫn thấy buồn. “Cậu mợ Giang bị như vậy chắc tội lắm. Con mong cậu mợ ấy cải tạo tốt để sớm được trở về”, cậu bé nói với VnExpress.net.
Hào Anh cùng bạn chung chiếc giường tầng tại Trung tâm bảo trợ xã hội Cà Mau. Ảnh: Tiến Thùy |
Sau hai tháng, những vết thương nhằng nhịt trên da thịt của Hào Anh đã lành lại và mọc da mới, nỗi ám ảnh của các trận đòn kinh hoàng cũng nguôi ngoai dần. Bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Cà Mau cho biết: “Ngày rời bệnh xá công an tỉnh, em vẫn rất lầm lì, sợ sệt. Chúng tôi phải dặn dò các em trong trung tâm quan tâm chia sẻ, giúp đỡ Hào Anh vượt qua”.
Hào Anh bây giờ là thành viên của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Ở đây, em được vui chơi, học hành cùng các anh chị và các bạn, như một đại gia đình. Dẫn VnExpress.net vào căn phòng nhỏ có những chiếc giường tầng, cậu bé tự hào ưỡn ngực khoe: “Đây là nơi cháu nghỉ ngơi và học hành”.
Chiếc giường tầng Hào Anh chia sẻ chung với các bạn, đồ đạc đơn sơ nhưng ngăn nắp. Trên đầu giường là sách vở và một cuốn tập có những bức tranh do chính tay em vẽ. “Em vẽ không đẹp, chỉ vẽ điều mình muốn nói thôi”, Hào Anh nói. Hồi học trường tiểu học ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, cậu bé từng đoạt giải họa sĩ tí hon, thầy cô bạn bè đều khen ngợi.
Cậu bé thích vẽ và đam mê bóng đá, chiều chiều cùng các anh chị bạn bè ở trung tâm tổ chức những trận cầu sôi nổi. Trong ảnh, Hào Anh là cầu thủ mặc áo đỏ. Ảnh: Tiến Thùy |
Trong số những bức vẽ của Hào Anh có hình ảnh chú công an nghiêm nghị còng tay vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm, phía sau là hai người làm công, đồng phạm hành hạ em. Em kể, bức đó em vẽ khi được giải cứu khỏi trại tôm giống Minh Đức.
Có một bức Hào Anh vẽ các bác sĩ, y sĩ, hộ lý Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi, Bệnh xá công an tỉnh Cà Mau. Đó là bác sĩ Nhan Ngọc Hồng, Trưởng bệnh xá công an Cà Mau, bác sĩ Phong, nữ hộ lý Loan… mỗi nhân vật đều được em chú thích kèm chữ "mẹ". Những bức tranh mới vẽ các "cha mẹ" ở Trung tâm bảo trợ xã hội Cà Mau.
Rời giường bệnh, Hào Anh được chuyển đến đây, mái nhà chung của những cụ già, trẻ mồ côi, đặc biệt khó khăn. Hào Anh hòa nhập nhanh, thân thiện, hòa đồng với ông bà, cha mẹ và anh chị em. “Em thích được ở đây, mỗi sáng thức dậy cùng mọi người tập thể dục, ăn sáng, học bài, chơi thể thao”, Hào Anh nói. Lặng lẽ một lúc, em bảo: “Em không ngờ mình có ngày hôm nay nên sẽ cố gắng học tập thật tốt sau này cống hiến cho đất nước”.
Hào Anh bên các bạn và cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội Cà Mau, mà cậu bé gọi thân mật là anh chị và bố mẹ. Ảnh: Tiến Thùy |
Các cán bộ của trung tâm cho biết Hào Anh bình phục sức khỏe khá nhanh, năng động, bắt nhịp với cuộc sống tập thể. Sau khi ôn luyện kiến thức văn hóa do các "mẹ" ở Trung tâm dạy, Hào Anh được chơi thể thao, ăn ngủ điều độ.
“Được về đây ở với các mẹ, anh chị, con hạnh phúc lắm. Con chỉ mong các cô các chú giúp đỡ để Hào Em được vào đây ở với con, để em ấy được học chữ, được vui chơi như con”, Hào Anh tâm sự. .
Hào Anh sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ chia tay và có gia đình mới, em sống với mẹ. Tháng 8/2009, Hào Anh được mẹ đưa vào trại tôm giống Minh Đức để làm việc và hy vọng học nghề. Tại đây, em bị vợ chồng chủ trại hành hạ dã man: đổ nước sôi vào người, bẻ răng, đánh đập, dùng dao rạch lưng đổ formol... Chính quyền địa phương lẫn hàng xóm đều không hay biết để can thiệp. Mãi đến cuối tháng 4, hàng xóm đưa Hào Anh đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thương tích đầy mình, vụ việc mới vỡ lở. Vợ chồng chủ trại bị bắt cùng hai người làm công. Lãnh đạo chính quyền địa phương nhận kỷ luật. Phiên tòa sơ thẩm xử vụ hành hạ Hào Anh được tổ chức lưu động ngày 29/6, thu hút hàng nghìn người dân. Vợ chồng chủ trại phải nhận mức án tù mỗi người 23 năm. |
Tiến Thùy