10 năm nay, ông Vũ Đình Bài (77 tuổi) và vợ sống trong con thuyền nhỏ chỉ đủ trải một chiếc chiếu, cái tủ và một ngăn bếp. Từ nhiều tháng nay, sông Hồng khu vực Hà Nội cạn kiệt trầm trọng, cuộc sống của ông và 16 hộ dân ở xóm chài cũng bị ảnh hưởng. |
Với dáng dấp lụ khụ, tóc bạc trắng, ông Bài tâm sự, hơn 10 năm về trước, ông bà và hai người con trai cũng có một căn nhà nhỏ tại phường Phúc Tân, Hà Nội. "Số phận đưa đẩy chúng tôi phải xuống dưới này sống, biết làm sao được", ông Bài nói không giấu được ánh mắt rưng rưng lộ vẻ xúc động. |
Ông bảo, hồi đó bán căn nhà được 45 triệu đồng để chữa bệnh, dành dụm được chút ít xuống dưới sông làm con thuyền ở tạm. Hai người con ông hư hỏng, đã sa vào nghiện ma túy .. |
Chỉ còn lại hai ông bà nương tựa vào nhau, ngày ngày bà lên phố lượm nylon, nhặt giấy về cho ông làm sạch đi bán. Ông Bài phơi những tấm nylon sau khi giặt. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của hai ông bà. |
Ông Bài vốn sinh ra tận Thái Lan, quê quán gốc tại huyện Ý Yên (Nam Định), nhưng hộ khẩu thường trú lại ở Đại Từ (Thái Nguyên). "Hiện mẹ tôi đã hơn 100 tuổi, đi tu tại một ngôi chùa bên Thái Lan. Tôi lúc nào cũng mơ có một chút tiền để được về thăm cụ", ông bộc bạch. |
Với công việc duy nhất từ thu lượm rác, mỗi tháng hai ông bà cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. |
Quanh quẩn ở nhà trong khi vợ đi làm, ngày ngày ông làm bạn với đàn chó nuôi. |
Nước sông bị thiếu dòng chảy dẫn đến tích tụ bẩn, việc giặt giũ, tắm rửa gặp nhiều khó khăn. "Khi nước sông lên, thi thoảng gặp được đàn cá còn quăng lưới làm mẻ, nhưng cạn thế này thì đành phải nhịn thôi", người đàn ông tuổi thất thập giãi bày. |
Một góc thuyền làm căn bếp nhỏ, ông đang đun nước pha trà mời khách. |
Ông đang khoe tấm giấy chứng nhận thợ sửa chữa ôtô từ những ngày còn trẻ. |
Người vợ ông Bài ngày ngày đi làm không quên mang theo chiếc bình mua nước sạch về dùng. Mỗi tháng hai ông bà mất vài nghìn tiền nước. |
Hoàng Hà