Cụ Trần Thị Nguyệt sống tại thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Dân quanh vùng đầm phá Tam Giang quen gọi cụ là “báu vật”, là “kỳ nhân” của làng bởi từ trước đến nay chẳng có ai sống qua 3 thế kỷ.
Một chiều đầu tháng 12, thấy có khách lạ đến thăm, cụ Nguyệt đang thiu thiu ngủ bỗng mở mắt rồi với tay vào chấn song cửa ngồi dậy bắt chuyện. Theo giấy chứng minh nhân dân cấp ngày 19/9/1979, cụ Trần Thị Nguyệt sinh năm 1890, nguyên quán Phú An, Hương Phú, Bình - Trị - Thiên, nơi thường trú Phú Xuân, Hương Phú, Bình - Trị - Thiên.
Ở tuổi xưa nay hiếm, song cụ Nguyệt còn khá tinh nhanh, vẫn ăn được trầu cau. Cụ có thể đi lại khắp nhà trên nhà dưới, sinh hoạt bình thường như bao người khỏe mạnh. Dấu vết thời gian ở cụ chỉ là mái tóc trắng xóa được cắt ngắn, những nếp nhăn nheo và đôi tai có phần nghễnh ngãng.
Giấy chứng minh nhân dân của cụ Nguyệt. |
Cụ Nguyệt có 5 người con (4 con trai đã mất và một con gái), 11 cháu nội, 45 chắt và 15 chít. Mong ước lớn nhất của cụ là các cháu, chắt, chít được học hành đầy đủ, không phải thiếu ăn, thiếu chữ như thời của cụ.
“Sống nhìn cháu chắt trưởng thành thấy vui, nhưng nhiều khi lại nghĩ cạn sống lâu như ri chắc chỉ làm khổ con cháu. Có đêm nhắm mắt tui mong ngủ luôn cho khỏe, nhưng đến sáng mở mắt, lại thấy mình cần sống tiếp”, cụ Nguyệt nói pha chút tếu táo.
Ông Đào Văn Doãn, 44 tuổi, cháu nội cụ Nguyệt cho biết, cụ bà với cụ ông đều hơn 100 tuổi. Giấy chứng minh thư ghi cụ ông Đào Diệt sinh năm 1909, kém cụ bà gần 20 tuổi. "Nhưng hồi đó cụ khai nhỏ tuổi để không bị địch bắt đi lính, chứ kỳ thực hai cụ cách nhau chừng 5-6 tuổi. Hiện cụ bà khỏe mạnh, minh mẫn hơn cụ ông nhiều”, ông Doãn nói.
Theo trưởng thôn Thủy Diện, ông Trần Văn Khâm, cụ Nguyệt lúc nào cũng chơi đùa với cháu chắt nên bọn trẻ hay vui vầy cùng cụ. Dạo trước, cụ còn hay dảo bộ đến nhà hàng xóm chơi. Lâu lâu vắng bóng cụ, người dân lại đến thăm vì có cụ ai cũng vui.
Cụ Nguyệt cao khoảng 1,6 m, món ăn ưa thích nhất của cụ là cá. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ngày nào cũng vậy, đại gia đình bốn thế hệ của cụ Nguyệt lại quây quần bên mâm cơm với phần lớn món ăn là cá vùng đầm phá Tam Giang. Bà Trần Thị Nguyên, 45 tuổi, vợ ông Doãn, cho biết cụ Nguyệt ăn được hai lưng bát cơm và bữa nào cũng chỉ có cá. "Ngày đầu mới về làm dâu, tôi nấu vài món thịt để bồi bổ cho cụ nhưng cụ quyết không ăn món gì ngoài cá", bà Nguyên nói.
Nghe cháu nói, cụ Nguyệt cười giải thích: “Ăn miết thành quen. Cá đối ở phá ngon lắm. Bao nhiêu năm ăn loại cá tự nhiên thấy mình khỏe, ít đau ốm. Ăn những gì thanh đạm và sống giản dị, đó chính là bí quyết sống lâu của tui”.
Theo trưởng thôn Thủy Diện, vùng Phú Xuân, Phú An... trước kia nằm cách khu Thuận An một cái phá, từng là chiến trường khốc liệt với nhiều trận càn quét, oanh tạc lớn của đế quốc Mỹ. Lần lượt 4 con trai của cụ Nguyệt là Đào Văn Lứ, Đào Văn Tư, Đào Văn Hai và Đào Văn Bốn đều tiếp bước tham gia cách mạng.
“Nhưng chỉ trong năm 1967, cụ hai lần đội tang các con. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông Đào Văn Bốn, bố ông Doãn đi bộ đội lính thủy địa phương cũng bị địch bắn chết trong một trận càn. Còn bác cả Đào Văn Lứ mất tích không tìm thấy xác. Đến nay cụ chỉ còn con gái út Đào Thị Lý hiện hơn 80 tuổi”, ông Doãn kể.
Theo ông Nguyễn Bắc, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, trong hồ sơ lưu trữ của xã, cụ Trần Thị Nguyệt sinh năm 1890. Những người sống lâu nhất ở địa phương đều xác nhận cụ Nguyệt đã sống qua ba thế kỷ.
"Gọi cụ là báu vật của làng vì cụ đã cống hiến cả 4 con trai để bảo vệ quê hương. Cụ cũng lưu giữ nhiều câu chuyện về cư dân đầm phá vì đã trực tiếp sinh sống và trưởng thành ở đây. Năm 1994, cụ được Chủ tịch nước tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chúng tôi tự hào về cụ và luôn lấy tấm gương để giáo dục cho thế hệ trẻ", ông Bắc nói.
Cụ Nguyệt vui vầy cùng bầy chắt, chít. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ông Trương Thắng, chuyên viên Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, Sở đã tiếp nhận hồ sơ của cụ Trần Thị Nguyệt từ Hội người cao tuổi tỉnh.
“Nếu đúng theo chứng minh nhân dân cụ là người cao tuổi nhất tỉnh và có thể là cao tuổi nhất Việt Nam. Chúng tôi vừa giao cho Phòng Lao động huyện Phú Vang xác minh lại thông tin, giấy tờ để biết chính xác tuổi cụ, đồng thời có chính sách, quà tặng phù hợp”, ông Thắng nói.
Đề cập về trường hợp cụ Nguyệt, ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Nếu có đầy đủ hồ sơ, thẩm định về mặt pháp lý cũng như khoa học, tỉnh sẽ đề nghị với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dân số công bố cụ là người cao tuổi nhất Việt Nam".
Hiện theo Sở Lao động tỉnh, ngoài cụ Nguyệt, tỉnh còn có cụ Nguyễn Thị Chạy, sinh năm 1897, sinh sống tại xã Phú Dương, huyện Phú Vang.
Theo News sky, đầu tháng 5 vừa qua, một tuần trước ngày sinh nhật lần thứ 115, cụ bà Kama Chinen, người già nhất thế giới đã qua đời tại hòn đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản. Danh hiệu người già nhất thế giới hiện nay thuộc về cụ bà người Pháp, Eugenie Blanchard, sinh tháng 2/1896 (114 tuổi 75 ngày). Xếp thứ hai là cụ Florence Emily Baldwin, người Anh, 114 tuổi.
Nếu giấy chứng minh nhân dân của cụ Trần Thị Nguyệt là xác thực thì cụ phải là người già nhất thế giới vì đã bước sang tuổi 120.
Văn Nguyễn