Năm 1995, Hà Nội thành lập Công ty Thương mại Đầu tư và phát triển Hà Nội, thuộc Thành đoàn Hà Nội để quản lý và xây dựng công viên Tuổi trẻ, đáp ứng nhu cầu giải trí, thể dục thể thao, nghỉ ngơi của thanh niên và nhân dân. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả nên năm 2003, công ty này được chuyển về Tổng công ty Du lịch Hà Nội và đổi tên thành Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi Trẻ để có thể huy động nguồn lực tài chính. Cùng với việc đổi chủ, công viên này cũng đã 2 lần được điều chỉnh quy hoạch.
Tuy nhiên, việc thay đổi đơn vị quản lý không tạo diện mạo mới mà công ty này ngày càng thua lỗ, nợ ngân hàng 50 tỷ đồng, lỗ kinh doanh 30 tỷ đồng... vào thời điểm năm 2007. Sau khi thay đổi bộ máy lãnh đạo, doanh nghiệp này đã tạm hoạt động ổn định vào thời điểm này, song vẫn để phát sinh hàng chục hạng mục xây dựng sai phép, lấn chiếm trong công viên do các nhà đầu tư thực hiện.
Mới đây, UBND Hà Nội đã đánh giá, việc giao cho Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công viên là đơn vị không đủ năng lực tài chính thực hiện. Mặt khác, công viên Tuổi trẻ Thủ đô lại được giao cho đơn vị trực thuộc Tổng công ty du lịch thì không phải cơ quan chuyên ngành nên sự chỉ đạo không tập trung, thường xuyên.
Do vậy, UBND Hà Nội đã dự kiến chuyển đổi đơn vị quản lý công viên Tuổi Trẻ là Công ty công viên cây xanh Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng) từ 1/11/2012.
Quán gió trên hồ được nhà đầu tư đổi mục đích là quán karaoke, song không bị chính quyền xử lý. Ảnh: Phương Sơn. |
Theo đề án của Sở Xây dựng Hà Nội, Sở sẽ chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh tổ chức tiếp nhận công viên Tuổi Trẻ, thành lập Xí nghiệp quản lý vận hành công viên Tuổi Trẻ Thủ đô. Đơn vị này sẽ quản lý, khai thác toàn bộ công trình, tài sản, hệ thống cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, trên nguyên tắc bàn giao tổng thể, các công trình sai phép sẽ được thống kê và quận Hai Bà Trưng sẽ đảm nhiệm xử lý; còn các công trình đúng quy hoạch, đầu tư theo hình thức xã hội hóa vẫn được tồn tại, chủ đầu tư vẫn kinh doanh bình thường.
"Về nguyên tắc, các công trình trong công viên Tuổi trẻ vẫn hoạt động, như công viên Thống Nhất có nhà hàng Gió, nên không có chuyện chủ mới gánh nợ cho chủ cũ. Các nhà đầu tư vẫn sử dụng các công trình song phải kinh doanh tuân thủ quy chế hoạt đông của công viên, như không có nhà hàng karaoke ở nhà nổi giữa hồ mà chỉ là nơi để mọi người ra hóng gió", ông Hiếu bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Văn, Giám đốc Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ - chủ đầu tư công viên, cho rằng, trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng thuộc về quận Hai Bà Trưng nên việc tồn tại, không xử lý các công trình vi phạm trong thời gian dài là do chính quyền né tránh xử lý. Do vậy, mặc dù thay đổi chủ quản lý mà không xử lý triệt để thì vẫn tiếp diễn công trình vi phạm trật tự xây dựng trong công viên.
"Chúng tôi không có lực lượng và chức năng cưỡng chế xử lý các công trình sai phép. Đây là các hạng mục sai phép tồn tại lịch sử do các nhà đầu tư nhỏ lẻ thực hiện. Gần đây, chúng tôi không để phát sinh thêm sai phạm", ông Nguyễn Hoài Văn bày tỏ.
Lãnh đạo Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ cũng cho rằng, hoạt động công ích và kinh doanh đan xen nhau tại công viên Tuổi Trẻ sẽ rất phức tạp. Công viên này có 6 công trình lớn đúng quy hoạch là sân khấu biểu diễn 1.500 chỗ, nhà thi đấu đa năng, khu công viên nước, nhà hàng... đã được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Khi có sự kiện, lượng người ra vào lớn, đơn vị hoạt động công ích sẽ khó điều hành, quản lý.
Mặc khác, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, gần 100 cán bộ công nhân viên sẽ mất việc làm khi giải thể công ty, thay vào đó lại thành lập một xí nghiệp quản lý mới là khá lãng phí.
Cũng bày tỏ e ngại về việc đổi chủ quản lý công viên Tuổi Trẻ, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và đô thị Hà Nội, cho rằng, công viên Tuổi Trẻ đã qua 2 lần thay đổi chủ mà vẫn không xử lý được các công trình sai phép, cho thấy việc xử lý thiếu cương quyết của các cơ quan, chính quyền và chủ đầu tư.
Theo ông Nghiêm, để trở thành công viên mở thì mật độ xây dựng chỉ khoảng 10-15%, phần lớn diện tích công viên phải vườn hoa, thảm cỏ, cảnh quan... Thành phố phải rà soát lại các công trình sai phép để xử lý triệt để, rà soát.
Đoàn Loan