"Thực ra mẹ vợ rất nhiệt tình mời về ở, nhưng đàn ông phải có sĩ diện chứ", anh Hải tâm sự cách đây chừng một tháng. Tuy nhiên mới đầu tuần, anh lại thông báo đã về nhà mẹ vợ, bởi không tìm được nhà.
"Để thuê giá mềm 500.000-600.000 đồng một tháng, phù hợp với thu nhập của vợ chồng mới cưới thì chỉ là căn phòng bé xíu mà dân xây cho sinh viên thuê. Ở chung với họ nhức đầu lắm, trong khi vợ tôi sắp mang bầu. Thuê nhà riêng thì tối thiểu phải 1 triệu đồng, mà cũng phải ra ven đô mới có", anh Hải lý giải.
Anh Thức, công nhân một xí nghiệp ở Từ Liêm, Hà Nội, đã hơn 10 năm nay phải đi thuê nhà cho cả gia đình gồm vợ dưới quê lên và 2 đứa con. Năm trước, để con đi học ở trường Cổ Nhuế cho gần, anh thuê một phòng ở cầu Noi. Đường vào nhà sâu hun hút, buổi tối gia đình muốn nấu cơm thì phải tắt tivi, tắt quạt vì nguồn điện không đủ. Năm nay, chủ nhà không cho thuê, anh lại phải chuyển vào làng Phú Diễn, xa hơn chỗ cũ 4 km.
Nói về khả năng tích lũy mua nhà, anh Hải chép miệng: "Đó là ước mơ quá xa vời". Còn anh Thức chua xót: "Cả đời tôi cũng không kiếm đủ tiền mua được mảnh đất nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Lương tôi 3 triệu đồng, vợ ở quê ra buôn bán lằng nhằng may đủ tiền ăn, lại còn chi phí cho cậu lớn sắp vào ĐH, con bé bước vào cấp 3". Vợ chồng anh Thức chấp nhận nay đây mai đó đến khi con vào ĐH, sau đó họ sẽ về quê sinh sống.
![]() |
2/3 cán bộ, công chức có nhà. Nhưng nhiều người đang sống trong những ngôi nhà tập thể cũ kỹ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trường hợp phải ở nhờ mẹ vợ, hay ở thuê như anh Hải, anh Thức đã quá phổ biến. Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hiện có đến 1/3 trong tổng số gần 2 triệu cán bộ công chức, viên chức cả nước chưa có nhà riêng. Ngoài ra, còn khoảng 1 triệu lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn quốc đang phải ở trọ trong những khu nhà chật chật, điều kiện thấp kém do các hộ dân xây dựng ở gần khu công nghiệp.
Tháng 10/2001, Chính phủ đã ban hành nghị định 71 về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, khuyến khích phát triển nhà chung cư cao tầng để giải quyết nhà ở cho những người thu nhập thấp. Nhà đầu tư được miễn, chậm nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, 7 năm đã trôi qua, theo đánh giá của Liên đoàn lao động Việt Nam, do giá nhà chung cư rất cao nên đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và lao động ở doanh nghiệp có thu nhập thấp không thể mua được.
Hiện giá nhà ở tại các đô thị, nơi tập trung đông cán bộ công nhân viên chức và lao động, lên tới hàng chục triệu đồng một mét vuông. "Với mức giá này, phần đông lao động thu nhập thấp có tích lũy tiền lương cả đời cũng không mua nổi một căn hộ chung cư với diện thích tối thiểu 30 m2", đại diện một cán bộ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nói.
Không sở hữu được nhà, phương án tối ưu nhất được công chức và lao động thu nhập thấp hướng tới là thuê nhà ở xã hội theo Luật nhà ở năm 2005. Tuy nhiên, từ khi có luật đến nay, hầu hết địa phương chưa xây dựng được loại nhà này. Mặt khác, nếu có nhà ở xã hội thì giá thuê theo nghị định 90 năm 2006 cũng khá cao.
Theo nghị định 90, giá thuê nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà chung cư thấp nhất đã là 12.000 đồng, cao nhất là 28.000 đồng một m2 một tháng. Nếu tính theo tiêu chuẩn căn hộ chung cư thuộc quỹ nhà ở xã hội (diện tích 30-60 m2) thì chi phí thuê căn hộ chung cư từ 360.000 đến 1.680.000 đồng một tháng.
Mức giá thuê trên có thể là chấp nhận được với công chức đã đi làm được khoảng 10 năm, những người mới ra trường, hệ số lương thấp, đặc biệt là đối với lao động ở các khu công nghiệp thì còn quá cao. Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động, hiện phần đông lao động khu công nghiệp là người ngoại tỉnh, thu nhập bình quân 800.000-900.000 đồng một tháng. Họ chỉ dám thuê nhà trọ tư nhân với giá 60.000-150.000 đồng một người một tháng.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, 2/3 cán bộ, công chức có nhà riêng thuộc về 3 nhóm sau đây. Nhóm 1: Nhóm này chiếm rất ít, gồm những người được nhà nước ưu đãi về nhà ở, hoặc có thu nhập ngoài tiền lương, hoặc được hưởng thừa kế. Nhà ở của họ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, một số có dư nhà để cho thuê. Nhóm 2: Cán bộ, công chức vào biên chế từ năm 1992, có nhà ở do được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; được phân phối nhà, đất theo các chính sách trước đây. Tuy nhiên, nhà ở thuộc diện này được xây dựng đã lâu, thiết kế bất hợp lý, kiến trúc lạc hậu và đã xuống cấp. Nhóm 3: Công chức vào biên chế sau năm 1992, còn trẻ, có số năm làm việc ít, đang ở nhà bố mẹ, người thân. Chỗ ở của họ thường là chật hẹp, và không ổn định lâu dài. |
Hồng Khánh