* Clip: Những cụ già mưu sinh trong đêm đông |
22h, trời lạnh ngắt, đường Giải Phóng (Hà Nội) chỉ còn loáng thoáng bóng xe đang vội vã như thể muốn "chạy trốn" cái giá lạnh của đêm. Phía góc vỉa hè giáp với ga Giáp Bát, bên đống lửa cháy yếu ớt, hai ông bà lão 80 tuổi đang ngồi co ro, run rẩy, ngóng ra phía đường...
"Có bơm vá xe không anh"? - hai hàm răng ông cụ lập cập vào nhau, mãi mới thốt lên thành lời, mắt ngước về phía vị khách đang dắt xe trên đường. Bàn tay run rẩy cầm cần bơm lạnh ngắt và vài phút sau đã bơm căng chiếc bánh xe máy. Nhận tờ 2.000 đồng của khách, ông lão lại lặng lẽ ngồi thu mình bên đống lửa, chìa bàn tay dính đầy dầu mỡ ra hong.
"Rét lắm, nhưng biết làm sao, còn sức lực thì phải lao động thôi. Con cái chúng nó có gia đình cả rồi nhưng nghèo lắm, khổ lắm, không giúp được gì cả", ông cụ run rẩy xoa xoa đôi tay trên đống lửa.
Cùng với chiếc bơm và quán nước nhỏ, ông bà lão phải vận lộn với cái giá lạnh để mưu sinh. |
Trong chiếc áo lông mỏng màu xanh lá cây nhuốm màu đen của dầu nhớt, ông cụ nhấp vội chén trà nóng rồi kể, ông là Đào Văn Tuyển, 80 tuổi, quê Thanh Hóa, còn vợ tên Liên (60 tuổi) ở Bắc Giang. Do ở quê khó khăn nên cả hai đã ra Hà Nội nhiều năm nay để lao động kiếm sống.
"Nhờ bán nước, bơm vá xe, mỗi ngày chúng tôi cũng kiếm được 20.000-50.000 đồng. Ngoài khoản thuê nhà 600.000 đồng, tiền ăn uống sinh hoạt, thuốc thang cho bà cụ bị bệnh u sơ dạ con, hầu như chẳng dành dụm được là mấy. Thế nên năm nào cũng vậy, dù rét đến mấy cũng phải đến 30 Tết chúng tôi mới rời khỏi cái vỉa hè này để về quê ăn Tết", ông Tuyển kể.
Thấy cảnh 2 cụ già phải mưu sinh trong đêm giá lạnh, nhiều người đi đường ngồi uống nước rồi biếu cụ ít tiền. Thậm chí, có người đàn ông trung niên đang ngồi trên taxi nhìn thấy cảnh hai cụ đã bảo tài xế dừng xe xuống biếu mỗi người 100.000 đồng rồi lại lên xe đi tiếp.
Trong khi đó, khuất sau dãy ôtô đắt tiền đỗ bên lề đường phố Hàng Trống là cụ già dáng người nhỏ thó ngồi bên cạnh chiếc làn đựng các loại báo. Phân trần về việc ngồi vỉa hè bán báo suốt chục năm, bất chấp rét mướt, mưa gió, cụ Nhân cho hay, chỉ để khỏi phụ thuộc vào con cái bởi "chúng còn nhiều thứ phải lo".
Nói xong, cụ cười như thể việc bán báo là một niềm vui lớn, và kể lại những vụ trộm mình từng phát hiện: "Hôm trước, có mấy cậu choai choai ra đây định ăn trộm gương ôtô, tôi nhìn thấy quát và kêu ầm lên khiến bọn chúng sợ chạy bán sống bán chết. Người ta bảo, tôi ngồi đây bán báo kiêm luôn nhiệm vụ trông xe".
Hơn chục năm bán báo trên con phố này, cụ chứng kiến biết bao câu chuyện vui buồn, tủi nhục của những phận già phải lặn lội mưu sinh. Và cụ Nhâm cho rằng, mình vẫn là người may mắn có nhà có cửa, con cái tuy nghèo khó nhưng ngoan ngoãn "chứ nhiều cụ già khổ sở, bất hạnh, rong ruổi khắp nơi, lấy vỉa hè làm nhà, không biết rét mướt như thế này họ sống ra sao".
Đã hơn chục năm qua, cụ Nhâm chọn góc vỉa hè làm nơi bán báo kiếm sống. |
Gần 23h, tại góc phố Lê Duẩn nằm gần ga Hàng Cỏ, dưới ánh đèn cao áp, bà cụ vóc người nhỏ bé, mặc chiếc áo mưa mỏng ngồi thu mình bên thúng bánh mỳ để tránh rét. Chốc chốc, cụ lại giơ bàn tay run run ra để vẫy khách mua bánh.
Bà cụ cho hay, mình tên là Xâm (72 tuổi), quê ở Phủ Lý - Hà Nam. Đã 7 năm trôi qua kể từ ngày cậu con út nghiện ngập phải vào trại, thì cũng là từng ấy thời gian bà Xâm lên Hà Nội bán bánh mỳ vừa để kiếm sống qua ngày vừa để tránh đi nỗi tủi hổ vì có cậu con trai bất hiếu.
Sau một hồi tiếp chuyện, bỗng nhiên giọng cụ trầm lại và nước mắt lăn dài khi nhắc về anh con trai út: "Nó không có việc làm, rồi lang thang, sinh ra nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, phá phách, trong nhà có thứ gì nó đem đi hết rồi".
Từ ngày con trai vào trại cai nghiện, không kể những đêm mưa phùn giá rét người mẹ già nghèo, bất hạnh lại liêu xiêu, run rẩy trong giá lạnh với mong muốn kiếm tiền dành dụm cho cậu con trai sau này cai nghiện xong trở về sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, một tương lai tươi sáng hơn.
Bá Đô