- Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng do không lường được khả năng bão đổi hướng khiến tỉnh có phần bị động. Ông giải thích thế nào?
- Nghề dự báo khí tượng thủy văn, chưa bao giờ chúng tôi tuyên bố dự báo chính xác 100% các hiện tượng thời tiết, đặc biệt là thời tiết biển nguy hiểm. Cũng có lúc chúng tôi còn thiếu sót, nhưng cơn bão số 9 này các bản tin dự báo rất đầy đủ, kịp thời, cảnh báo sớm, trước 3 ngày và càng vào gần thì dự báo càng chi tiết, không chỉ vùng nọ, vùng kia mà cụ thể từng tỉnh.
* Bão số 9 đã được dự báo thế nào? |
Cụ thể, từ ngày 27/9, bản tin lúc 9h30 chúng tôi đã cảnh báo tình hình mưa bão và từ đó trở đi cho đến lúc bão vào, không có bản tin nào thiếu tên Quảng Ngãi. Chúng tôi dự báo vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần từ cấp 8 đến cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13. Từ ngày 28/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa rất to, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi đều nhấn mạnh đây là cơn bão bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng lớn. Những cảnh báo của đài Quảng Ngãi được phát đi trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh và được gửi cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh...
Từ những cảnh báo của cơ quan khí tượng, công điện ngày 26/9 của Thủ tướng gửi các tỉnh thành, trong đó có Quảng Ngãi, đã nêu rõ: UBND các tỉnh ven biển phối hợp với bộ đội biên phòng thông báo cho chủ phương tiện và tàu thuyền trên biển biết vị trí, hướng đi, vùng nguy hiểm của bão (được xác định từ bắc vĩ tuyến 15). Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở bắc vĩ tuyến 15.
Bão khiến hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Ngãi bị hỏng nặng. Ảnh: Trí Nguyễn. |
- Thưa ông, thực tế bão đột ngột đổi hướng từ tây tây bắc xuống tây tây nam và Quảng Ngãi trở thành tâm bão chứ không phải vùng ảnh hưởng?
- Đến giờ phút này tôi cũng không biết vì sao bão đổi hướng, mà phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ vùng này, ví dụ nhiệt độ mực nước biển, hải lưu thế nào. Nếu giải thích vội vã thì có thể chưa thỏa đáng, chưa khoa học, xin phép có nghiên cứu kỹ hơn. Không phải lần này, nhiều lần bão chuyển hướng, cũng có lần không biết tại sao. Thiên nhiên thiên biến vạn hoa.
- Tại sao ngày 29/9 bão vào đất liền nhưng ngày 28/9 Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương luôn nói bão ảnh hưởng trực tiếp trên phạm vi rất rộng, chứ không chỉ rõ tâm bão đổ bộ vào đâu?
- Nếu nhìn trên ảnh mây vệ tinh, tâm bão bình thường chỉ là chấm đen. Thực tế bão không phải là một điểm, bão là cả một vùng thời tiết nguy hiểm, phạm vi hàng nghìn km. Với cơn bão này, vùng gió cấp 10 bán kính 150 km, vùng gió mạnh cấp 6 trở lên bán kinh 350 km..., cả một không gian khổng lồ di chuyển như thế thì không thể nói điểm nào. Vì thế chúng ta đừng quá quan tâm đến tâm bão.
Chúng tôi đã nhiều lần được góp ý là cứ đưa ra tâm bão ở kinh độ này, vĩ độ nọ, dân không biết. Nhưng không thể không dự báo. Bởi có thể dân không biết, nhưng người đi biển phải biết, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, ủy ban tìm kiếm cứu nạn phải biết để điều tàu đến vùng đấy cứu nạn. Vì thế, bao giờ chúng tôi cũng phải nói vùng tâm bão ở kinh độ vĩ độ nào và cách chỗ nào bao nhiêu km.
Có thể ở đâu đó, người nào đó nghĩ rằng nhìn thấy tâm bão còn xa thì yên tâm, nhưng thực tế tâm bão ở ngoài xa kia, song mình vẫn bị ảnh hưởng. Chúng ta cứ để ý mỗi cái tâm mà lại xao nhãng mức độ ảnh hưởng của nó, rất nguy hiểm.
Người dân di chuyển tại Quảng Nam sau bão. Ảnh: Reuters |
- Thưa ông, sai số giữa đường đi thực tế của bão và đường đi dự báo của Trung tâm như thế nào?
- Dự báo vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi và thực tế bão vào giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Còn vào đúng điểm nào, chênh bao nhiêu km thì hiện tại chúng tôi chưa tính toán được. Hong Kong cho phép sai số dự báo trước 24h là 150 km, trước 48h là 250 km, trước 72h là 350 km, còn vị trí phân tích trên bản đồ cũng sai số là 30 km.
- Vậy Việt Nam cho phép sai số là bao nhiêu?
- Ngành khí tượng thủy văn không quy định được mức độ sai số, mà tổ chức khí tượng thế giới và ủy ban bão quy định cho các nước. Mình nằm trong ủy ban bão và phải theo quy định của ủy ban.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ tàn phá của cơn bão này?
- Phải khẳng định là cơn bão này mức độ ảnh hưởng nằm ngoài khả năng chịu đựng của người dân. Nếu nhìn trên tivi, ảnh chụp thấy những ngôi nhà không đủ sức chống chọi với bão cấp 12-13. Không riêng chúng ta, cơn bão này quét qua Philippines rất khốc liệt. Bão vào ta cường độ không yếu hơn Philippines, nên gây ra thảm họa lớn. Ở gốc độ nào đấy tôi thấy có chỗ chúng ta bất khả kháng.
Sáng 29/9, khi bão hoành hành ở đảo Lý Sơn, cách đất liền Quảng Ngãi khoảng 30 km, VnExpress.net đã trao đổi với ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nhi cho biết "Chúng tôi không lường trước được sự thay đổi hướng đi của bão. Hôm qua (28/9) dự đoán bão đi hướng giữa tây và tây tây bắc, sáng nay bão bất ngờ đổi hướng tây tây nam. Không còn nhiều thời gian, chúng tôi phải ứng cứu dân ngay lập tức và đưa đến nơi an toàn". Tại cuộc họp nhanh để triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 trong sáng 30/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối nhìn nhận: Bão số 9 đổi hướng khá bất ngờ xuống phía nam so với dự báo khiến người dân Quảng Ngãi không kịp trở tay. Bên cạnh đó, ông cũng thừa nhận việc phát huy phương châm "4 tại chỗ" để đối phó với bão lũ chưa được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm đúng mức nên đã gây thiệt hại khôn lường. Toàn miền Trung và Tây Nguyên có 92 người chết, 19 người mất tích, trong đó riêng Quảng Ngãi là 27 người chết, 4 người mất tích. Quảng Ngãi cũng là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất, ước tính 4.500 tỷ đồng |
Hồng Khánh