Ngày 29/12, khối hạ tầng cơ sở, Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012. Nhiều vấn đề nóng về giao thông đã được mổ xẻ, trong đó có ý kiến cần xem lại sự ưu tiên quá nhiều cho xe buýt và tình trạng mất cắp cơ sở hạ tầng giao thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4, tình trạng "ưu tiên" phần đường cho xe buýt đang bị lạm dụng. Rất nhiều xe buýt chạy lấn cả sang phần đường xe 2 bánh, thậm chí ngay cả trên cầu, trong khi bên kia là làn đường ôtô. Điều này khiến rất nhiều xe 2 bánh phải nhích từng chút một phía sau, gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài trên cầu.
"Mỗi lần tôi chạy qua cầu Kênh Tẻ (quận 7), thấy thương cho hàng trăm xe máy bị kẹt lại phía sau không thể nhúc nhích gì được vì một bên là ôtô xếp hàng dài, bên kia là xe buýt giành hết lối đi. Chưa kể tại các vòng xoay, có khi có đến 5-6 xe buýt chiếm hết lòng đường, nhưng trên xe chỉ có vài hành khách", ông Bảng nói.
![]() |
Xe buýt dàn hàng ngang, chạy lẫn với xe 2 bánh là cảnh thường thấy trên đường phố TP HCM. Ảnh: H.C. |
Cũng theo ông Bảng, thành phố đang có chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng, trong khi các tuyến Metro chưa xuất hiện thì xe buýt là ưu tiên số 1. Tuy nhiên hiện nay thành phố chỉ quan tâm đến việc làm sao để tăng số lượng hành khách đi xe buýt và tăng số luồng, tuyến mà không biết chính xe buýt cũng góp phần ảnh hưởng đến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
"Chúng ta ưu tiên cho xe buýt nhưng cần xem xét lại với những đoạn đường nào xe buýt cần được ưu tiên, chứ không thể chỗ nào anh cũng có thể lấn vào phần đường dành cho xe 2 bánh được. Như thế không những không giảm được kẹt xe mà còn làm gia tăng thêm", ông Bảng cho hay.
Ngoài ra, một vấn đề đáng báo động đối với ngành giao thông TP HCM nữa đó là tình trạng mất cắp cơ sở hạ tầng giao thông. Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) cho biết, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2009 đến 2011, riêng trên Khu 2 đã có đến hơn 100 km dây điện nguồn chiếu sáng bị mất cắp, với số tiền hơn 21 tỷ đồng.
"Đây là con số đáng báo động, tình trạng mất cắp hạ tầng cơ sở giao thông ngày càng gia tăng. Nếu năm 2009 chỉ mất 17 km, năm 2010 mất 40 km và đến năm 2011 thì mất đến 51 km dây điện nguồn, không lẽ chúng ta đành bó tay?", ông Thiết nói.
Theo ông Thiết, vừa qua có ý kiến đề xuất thay dây điện lõi đồng bằng dây điện lõi nhôm. Phương án này thể hiện sự bất lực của thành phố, không còn cách nào khác nên phải "thụt lùi" so với thời đại vậy. "Ngày xưa chúng ta còn nghèo nên dây điện phải dùng lõi nhôm còn bây giờ quay lại thời đó thì càng chứng tỏ sự bất lực của ngành giao thông trước tình trạng trộm cắp này" ông Thiết chia sẻ.
![]() |
Chỉ sau hơn một tháng đưa vào sử dụng, hàng trăm nắp cống trên đại lộ Đông Tây (phía quận 2) đã bị mất cắp, lộ ra nhiều hố sâu nguy hiểm. Ảnh: H.C. |
Theo đại diện Khu 2, hiện nay công ty chiếu sáng công cộng chịu trách nhiệm về số đèn chiếu sáng tại các tuyến đường trên địa bàn, nhưng đơn vị này cũng chỉ có thể dừng lại ở việc kiểm tra, thống kê danh sách những đoạn dây điện bị mất cắp chứ không thể bảo vệ vì lực lượng quá mỏng.
Theo ông Thiết, để chấm dứt tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải cũng như UBND thành phố cần chi tiền xây dựng lực lượng bảo vệ hạ tầng giao thông. "Chúng ta phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề, chứ không thể chỉ giải quyết phần ngọn, vì nó không chỉ là vấn đề giao thông thôi mà còn ảnh hưởng cả đến an sinh xã hội, an toàn của người dân. Nếu chúng ta bất lực trước tình trạng này thì người dân sẽ mất lòng tin vào sự quản lý của chính quyền", ông Thiết nói.
Cũng tại buổi tổng kết, các đại biểu cho biết thủ tục lập dự toán, kết toán hiện rất dở và duy ý chí dẫn đến việc bảo vệ, duy tu các cơ sở, công trình giao thông chưa được quan tâm đúng mức vì thiếu kinh phí. "Dự toán là số kinh phí chúng ta dự định sẽ chi trong một năm, thế nhưng hiện nay Sở Tài chính vẫn căn cứ vào đó để làm quyết toán. Nếu cuối năm con số kinh phí chi ra khác với dự toán ban đầu thì Sở Tài chính sẽ không giải quyết, dẫn đến tình trạng chúng ta phải 'gọt chân cho vừa giày', như vậy là sai nguyên lý", đại diện Khu 2 nói.
Trước đó, tại buổi tổng kết khối xây dựng cơ sở hạ tầng diễn ra chiều 28/12, ông Trần Văn Duy Tường, Phó phòng Quản lý Xây dựng Công trình Giao thông Đường bộ năm 2012, TP HCM sẽ hoàn thành 12 công trình giao thông; trong đó có một số dự án cấp bách như tỉnh lộ 10, 10 B, tỉnh lộ 25 B, cầu Rạch Chiếc... Ngoài ra, một số công trình cũng được đưa vào sử dụng một phần như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vành đai ngoài, Xa lộ Hà Nội... Tỉnh lộ 10 và 10B là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP HCM), việc hoàn thành tuyến đường này sẽ giúp giải quyết việc đi lại giữa các khu kinh tế của hai địa phương. Còn liên tỉnh lộ 25 B (đoạn giao với Đại lộ Đông - Tây đến cảng Cát Lái) sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe ra vào cảng Cát Lái đã diễn ra nhiều năm nay, đồng thời giúp việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Cát Lái nhanh hơn. Ngoài ra, việc đưa vào sử dụng một phần xa lộ Hà Nội và đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi sẽ giảm tải lượng xe đi vào khu vực trung tâm thành phố. |
Hữu Công