Sáng 13/1, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp với ngành văn hóa, bảo tàng và Trụ trì chùa Mahatup (chùa Dơi) để làm rõ thông tin "chùa bị xâm hại". Chiều hôm trước, bà Liên cùng lãnh đạo Cục di sản văn hóa trực tiếp thị sát cảnh quang, hiện vật, kiến trúc của chùa Dơi và gặp gỡ nhiều Phật tử trong cộng đồng dân tộc Khmer xung quanh chùa ở phường 3, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng).
Hòa thượng Kim Rêne (Trụ trì chùa Dơi) khẳng định di tích chùa Dơi không bị xâm hại. Ảnh: Duy Khang |
Theo Phó văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng Trương Bình Bảo, chùa Mahatup được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1999. Trước đây do hạ tầng dịch vụ du lịch đi kèm ở khu vực này chưa được đầu tư đồng bộ nên công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập. Người dân địa phương che lều buôn bán ngay trước cổng chùa; xe lôi, xe ôm chèo kéo khách, người ăn xin bám theo du khách.
Có thời gian Công ty Du lịch tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng nhà hàng trên khu đất rộng 1,2 ha ngang chùa nhưng cách kinh doanh không hiệu quả nên ngừng hoạt động và giao đất lại cho UBND phường 3 quản lý. Chính quyền địa phương sau đó cho hộ dân thuê khu đất này để nuôi cá và gia súc gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Để chấn chỉnh, UBND TP Sóc Trăng nhiều năm mời gọi đầu tư nhưng không có doanh nghiệp nào quan tâm.
Đầu năm 2011, Công ty cổ phần Quốc tế Satraco khảo sát, làm việc với nhà chùa rồi đề nghị UBND TP Sóc Trăng xem xét tạo điều kiện cho công ty đầu tư khu du lịch, nhà hàng, khách sạn phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật và có nơi ăn, nghỉ, tránh tình trạng du khách ngủ lại trong chùa.
"Sau khi UBND TP Sóc Trăng đề đạt ý kiến của nhà đầu tư, UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho các sở, ngành tham mưu, thẩm định, đi đến thống nhất đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Satraco triển khai dự án. Đây là dự án trọng điểm của TP Sóc Trăng để phục vụ phát triển đô thị, hướng đến năm 2015 thành phố này đạt đô thị loại 2. Dự án này phục vụ phát triển du lịch, tạo nơi lưu trú khi khách đến tham quan chùa Dơi", ông Bảo khẳng định.
Đàn dơi quý ở chùa Mahatup, TP Sóc Trăng. Ảnh: Trần Thảo Vân |
Theo ông Bảo, đất chùa Dơi có 2 khu vực, đó là khu bảo vệ bên trong khuôn viên chùa rộng 39.600m2 và khu vực điều chỉnh xây dựng (khu vực 2) rộng hơn 76.500m2. Như vậy, dự án của Satraco không nằm trong các khu vực bảo vệ 1 và 2 của chùa Dơi.
Theo ông Trần Đình Thành, Phó trưởng phòng quản lý di tích của Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nếu khu đất đầu tư dự án của Satraco không nằm trong đất bảo vệ của chùa thì không cần thiết phải xin phép Bộ. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, ông Thành kiểm tra khu nhà hàng của Satraco thì thấy rằng dự án đảm bảo mỹ quan, phòng kinh doanh dịch vụ ăn uống có cửa kính nên hạn chế được tiếng ồn. Nhà đầu tư đưa vào các tiết mục biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân tộc đã góp phần phục vụ cho phát triển văn hóa, giúp nâng cao giá trị văn hóa truyền thống và phù hợp với bảo vệ, nâng cấp di tích.
"Nếu có karaoke thì đề nghị ngành văn hóa giám sát, kiểm tra thường xuyên để tránh những bài hát có nội dung hiện đại, cường độ âm thanh cao vì đây là khu du lịch tâm linh. Việc mở đường thông thoáng như hiện này là rất quý, tránh được tình trạng hạ tầng xuống cấp làm cho du khách chỉ đến một lần rồi sợ không đến nữa", ông Thành nêu quan điểm.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp sáng 13/1. Ảnh: Duy Khang |
Là người trực tiếp quản lý chùa Mahatup, hòa thượng Kim Rêne (Trụ trì) khẳng định thời gian gần đây đàn dơi quý bay về chùa rất nhiều do đến mùa trái cây chín. Cảnh quang xung quanh chùa cũng thoáng mát, sạch đẹp, không còn cảnh xe ôm giành giật khách, che lều trại trước cổng chùa gây mất mỹ quan và ô nhiễm.
"Thời gian qua có nhiều thông tin cho rằng khu du lịch mở ra làm các sư khóc ròng, dơi bay đi, dơi bị xẻ thịt là sai sự thật, gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị của người dân trong vùng và cộng đồng người Khmer", hòa thượng Kim Rêne nhấn mạnh.
Do chùa Dơi là di tích nên Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng với các sở, ngành tiếp tục hoàn chỉnh thêm hồ sơ về di tích vì lúc công nhận vào năm 1999 hồ sơ còn sơ sài. Từ đó, ngành văn hóa sẽ xác định được chính xác khu vực nào cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh xâm hại làm ảnh hưởng đến ngôi chùa cổ được du khách trong và ngoài nước quan tâm.
"Qua kiểm tra tôi thấy chùa và địa phương làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích nên chùa Dơi không bị xâm hại. Tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của chùa Dơi, gắn với phát triển đời sống kinh tế, du lịch để góp phần nâng cấp đô thị Sóc Trăng", Thứ trưởng kết luận.
Duy Khang