Chiều 28/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã có buổi tiếp xúc tại quận 1 để báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp thứ hai và lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: Tá Lâm. |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Cao Văn Triệu (phường Phạm Ngũ Lão) bày tỏ vui mừng vì Quốc hội đã đưa Luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng. Theo ông Triệu, khi có luật, nhân dân sẽ biết phải làm như thế nào; chính quyền thuận lợi quản lý, giám sát hoạt động biểu tình và Luật cũng là biện pháp mạnh đẩy lùi âm mưu của những người muốn lợi dụng biểu tình để mưu cầu lợi ích riêng.
Trả lời cử tri về dự Luật biểu tình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết còn nhiều ý kiến trái ngược. Luật biểu tình cũng đã được Quốc hội đưa vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệch nhiệm kỳ 13.
"Mặc dù Hiến pháp có quy định rõ những quyền của công dân, trong đó có quyền được biểu tình, nhưng thể chế hóa thành luật thì thế nào đây? Nó phải vừa đảm bảo được quyền cơ bản của công dân, vừa phải phù hợp với điều kiện đất nước. Nếu chuẩn bị chất lượng tốt thì có thể đưa lên chương trình chính thức trong 5 năm của nhiệm kỳ 13", Chủ tịch nước nói.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử trị đã bày tỏ ý kiến không đồng tình về phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP HCM) về Luật biểu tình. “Tôi cho rằng đa số nhân dân có trình độ dân trí dồi dào, thông minh và trí tuệ. Điều đáng tiếc đã có ai đó nói rằng, người dân Việt Nam chưa đủ trình độ dân trí để thực hiện quyền biểu tình?”cử tri Cao Văn Triệu nói.
Cử tri Vương Liêm đặt câu hỏi trực tiếp: "Ông có thấy mình hơi vội vã và chưa hiểu vấn đề khi phản đối Luật biểu tình?".
Trả lời cử tri, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước nói: “Khi tôi nói khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình, tôi không chê dân trí thấp. Khi nói về Luật biểu tình là tôi nói bằng tất cả tấm lòng mình”.
Liên quan đến sự cố hư hỏng mặt đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, nhiều cử tri bức xúc trước việc đường mới đưa vào sử dụng chưa được một năm mà đã có hơn 500 ổ voi, ổ gà, lún sụp... Ông Nguyễn Đình Sửu cho rằng, nên khởi tố 3 phía gồm chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát.
"Việc trảm tướng Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ là xử lý ngọn. Trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát phải được đưa ra xem xét", ông Sửu nói.
Cử tri quận 1 bày tỏ ý kiến góp ý cho đoàn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tá Lâm. |
Trả lời ông Sửu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và cho biết sẽ trao đổi lại với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Long An để xem xét trách nhiệm của những đơn vị liên quan dẫn đến sự cố hư hỏng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Trong vấn đề giao thông, Chủ tịch nước cho biết thêm, hạ tầng so với yêu cầu phát triển còn chưa theo kịp. Ông Sang bày tỏ, nếu cứ giữ mãi hiện trạng giao thông đô thị như hiện nay thì không bao giờ giải quyết được bài toán ùn tắc. "Một đô thị 5-7 triệu dân nhưng diện tích hạ tầng dành cho đường bộ chỉ có mấy phần trăm, trong khi các nước trên thế giới là 20-25% và họ có hệ thống Metro, đường trên cao... Chúng ta phải làm như thế mới giải quyết được vấn đề giao thông", Chủ tịch nước nói.
Đối với TP HCM, thành phố có gần 10 triệu dân, trong khi đất dành cho giao thông lại quá ít. Nếu không có hệ thống giao thông công cộng tốt, hệ thống Metro, đường trên cao... thì TP HCM sẽ mãi loay hoay với bài toán tắc nghẽn.
Trong ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ hai (26/11), Quốc hội đã ra nghị quyết đưa Luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ 13.
Tá Lâm