Theo thông tư vừa được ban hành của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, tại các đô thị, vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) mọi tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp, tổ trưởng dân phố để lập danh sách trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý. Sổ sẽ được dùng để ghi “lý lịch” con chó, thời gian tiêm phòng các loại văcxin.
Trường hợp gia đình nuôi trên năm con trở lên phải có tờ trình UBND xã, phường về điều kiện nuôi. Sau đó cơ quan thú y địa phương sẽ thẩm định, xác nhận nhà đủ điều kiện vệ sinh thú y, phòng chống bệnh dại, mới được phép nuôi.
Chó thả rong, không có sự quản lý là mối nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Phú Sơn |
Ghi nhận của VnExpress.net, nhiều người dân TP HCM cho rằng cần thiết phải quản lý chó nuôi, song băn khoăn về tính khả thi.
Anh Quốc Cường, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, là chủ một chú chó lai cho biết, rất đồng tình với chủ trương muốn nuôi phải đăng ký. Theo anh, tuy chó là loài động vật thân quen với con người nhưng nó cũng có thể gây hại vì các căn bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh dại đối với chó thả rong. "Nếu phải đăng ký, mỗi người sẽ ý thức hơn về vật nuôi của mình", anh nói.
Cũng đồng tình nhưng ông Huỳnh Thanh Toàn, ngụ tại đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh, lại thắc mắc về tính khả thi của quy định đăng ký chó nuôi. Bản thân ông vốn chích ngừa đầy đủ cho chó nuôi nhưng ông không tin ai cũng ý thức được chuyện này. Theo ông, sẽ rất khó áp dụng quy định vào cuộc sống, buộc người dân phải đi đăng ký nuôi, vì không thể quản lý hết số lượng chó trong thành phố. "Nhiều khi thấy chó thả rong chạy tứ tung, cắn bậy, khó kiểm tra chứng thực được chúng thuộc sở hữu của ai", ông Toàn nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, chủ một phòng khám thú y trên đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh, cho biết sẽ có nhiều khó khăn khi quy định chó nuôi phải đăng ký. Tuy nhiên, ông rất ủng hộ chuyện đăng ký chó nuôi vì thời gian qua bệnh dại có xu hướng tăng lên nên càng phải có quy định để người dân có trách nhiệm với vật nuôi hơn.
Từ ngày 19/9, các chủ nuôi phải đăng ký sổ quản lý cho thú nuôi của mình. Ảnh: Quốc Triều |
Ở nông thôn, nhiều người cũng thắc mắc về quy định đăng ký chó nuôi. Ông Ngọc Tuấn, ngụ Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, nuôi 4 con chó trong nhà để vừa làm bạn, vừa canh trộm. Ông Tuấn cho biết: "Cán bộ xã cũng nhiều lần tuyên truyền chủ nuôi phải tiêm phòng trước tình trạng chó thả rong quá nhiều, nhưng rồi cũng đâu vào đấy do không quản lý nổi". Ông thắc mắc các cơ quan chức năng cấp phường, cấp xã sẽ làm thế nào để nhận đăng ký cho toàn bộ chó nuôi, khi ở nông thôn yếu tố nhân lực, phương tiện chưa đáp ứng đủ yêu cầu.
Anh Ngọc Khôi, ngụ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cho rằng ở nông thôn, dân cư, nhà cửa thưa thớt nên còn có thể biết được con chó đó là của nhà nào, chứ ở thành phố lỡ thả chó chạy ngoài đường và cắn bậy thì biết kêu ai? Mặt khác, ở nông thôn xưa nay nuôi chó là chuyện thông thường, vừa làm vật nuôi, vừa để giữ nhà. Ở thành phố, người dân còn đi chích ngừa hay tiêm phòng chứ ở quê hầu như ít có ai làm việc đó vì rất mất thời gian và tốn tiền. "Nay bảo đi đăng ký “hồ sơ” cho chó càng khó hơn, trong khi thủ tục đăng ký rườm rà, mất thời gian của người dân", anh chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định quy định đăng ký chó nuôi thiếu tính thiết thực. Ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội những người nuôi chó Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội nuôi chó giống Việt Nam khẳng định quy định không khả thi.
Ông cho biết, ở nước ngoài việc nhận đăng ký cho vật nuôi do Hội nuôi chó đảm trách chứ không phải nhà nước giải quyết, vì người dân rất tự giác, có trách nhiệm với chó mình nuôi. Còn ở VN, hiện chưa rõ tổ chức thực hiện như thế nào, hình phạt chế tài nếu không đăng ký ra sao, thẩm quyền thủ tục tịch thu chó nếu không đăng ký...?
" Ở nước ngoài chó đăng ký được gắn chíp nên dễ dàng theo dõi, kiểm tra; còn ở VN việc gắn chíp khó khả thi", ông Lãng nói.
Trả lời VnExpress.net, ông Phan Xuân Thảo, Phó Chi cục trưởng Thú y TP HCM cho biết, hiện cơ quan thú y đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để đưa quy định vào cuộc sống.
Phú Sơn - Quốc Triều