KTS Trần Đình Bá, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, con sông biểu tượng cho bộ mặt thành phố sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan chung.
"Vị trí dự kiến đặt cầu phía bờ quận 1 nằm ngay trung tâm lịch sử của thành phố sẽ rất dễ phá vỡ cảnh quan. Cầu sẽ cắt ngang bờ sông Sài Gòn là mặt tiền của thành phố, cắm vào giữa mặt của thành phố, điều đó là không hợp lý, không phù hợp với cảnh quan của đô thị hiện đại", KTS Bá lý giải.
Vị kiến trúc sư cũng khẳng định, việc xây dựng cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn sẽ không đem lại hiệu quả, vì không ai lại rảnh rỗi đi bộ một quãng đường xa 360 m để qua sông. Ông Bá cũng cho rằng vấn đề an toàn của người đi bộ cần được tính đến, vì cây cầu có độ dài rất lớn, người lưu thông khi đi đến giữa sông nếu chẳng may gặp sự cố, bị đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe thì sẽ xử lý thế nào? Lúc đó không thể cho xe cấp cứu chạy lên trên cầu đi bộ.
KTS Bá ví việc TP HCM thực hiện dự án này như chuyện của "nhà giàu". Hiện một số nước phát triển trên thế giới cũng xây các cầu đi bộ vượt sông với quy mô lớn để thưởng ngoạn. "Trong khi TP HCM còn nhiều vấn đề dân sinh khác chưa giải quyết được thì không cần xây thêm một cây cầu chỉ dành cho người đi bộ với quy mô lớn như thế. Rất lãng phí và hiệu quả sử dụng không cao", vị kiến trúc sư nói.
Phối cảnh cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn. |
Đồng quan điểm, ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, đại biểu HĐND TP HCM cho rằng, cần tính lại hiệu quả sử dụng. Nếu thành phố đã xác định xây dựng cầu đi bộ là một điểm nhấn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.
"Nếu xây cầu vào thời điểm hiện nay cần xem xét lại. Còn nếu là dự án trong tương lai thì có thể chấp nhận được, nhưng trước hết cũng cần phải tính lại hiệu quả sử dụng", ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, việc quan trọng trước mắt hiện nay là thành phố phải ưu tiên giải quyết các vấn đề về dân sinh như đầu tư xây dựng các công trình giảm kẹt xe, chống ngập, chăm lo đời sống cho người nghèo...
Ngược lại, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc TP HCM khẳng định, đây là một trong những cây cầu nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của thành phố đã được phê duyệt. Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn có ý nghĩa khác xa với những cầu đi bộ vượt ngang đường.
"Các cây cầu bộ hành hiện nay trên thành phố chỉ mang tính cục bộ, giải quyết nhu cầu qua đường, còn cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn mang ý nghĩa kết nói giữa trung tâm thành phố hiện hữu với khu đô thị tương lai Thủ Thiêm", Phó giám đốc nói.
Ngoài chức năng giải quyết vấn đề giao thông, cây cầu này cần được chăm chút về mặt cảnh quan. "Vì công trình đặc biệt như thế, trước khi xây dựng cần lấy ý kiến của các học giả, các nhà khoa học, kiến trúc sư và cả người dân cùng tham gia tư vấn công trình", ông Hưng nhấn mạnh.
Phó giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc thành phố cho biết, theo quy hoạch, khi cầu đi bộ hoàn thành, đường Tôn Đức Thắng chạy dọc theo bờ sông cũng sẽ được cải tạo lại và sẽ trở thành phố đi bộ rất lớn.
"Chúng ta cần kiên trì tìm giải pháp và nguồn lực để sớm xây dựng cầu đi bộ, vì nó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và tăng nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm. Đây không chỉ có ý nghĩa về kinh tế đơn thuần mà còn mang giá trị cộng đồng rất lớn", ông Hưng nói.
Với thiết kế ban đầu, cầu đi bộ dài 360 m sẽ được bắt đầu từ cuối đường Đồng Khởi (quận 1) băng qua sông Sài Gòn đến quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Cầu đi bộ sẽ có hình chữ S cách điệu tượng trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Chức năng chính của cầu đi bộ là phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, đi lại, thưởng ngoạn và tổ chức lễ hội. |
Tá Lâm