Sáng 7/12, bàn về Nghị quyết phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho rằng thời gian qua, việc tuyển chọn cán bộ có chất lượng hơn, song mục tiêu giảm biên chế chưa thực hiện được. Bộ máy không được tinh giản mà năm sau cao hơn năm trước.
"Cơ quan tôi có khoảng 30% cán bộ làm việc tốt, 35% làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm. Điều này cho thấy khoảng 40% cán bộ đang hưởng lương Nhà nước không đáp ứng được công việc, nhưng không thể cho nghỉ vì động chạm đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ. Cần bàn đến quyết đáp biên chế thế nào khi công chức thực thi công vụ thấp", ông Dực bày tỏ.
Lãnh đạo Ban kiểm tra Thành ủy cũng chỉ ra nhiều bất hợp lý trong biên chế công chức, như UBND quận Long Biên có 230 biên chế thì thanh tra chiếm 70. Tương tự, huyện Sóc Sơn có 274 biên chế thì có tới 121 thanh tra xây dựng.
Các cơ quan hành chính sẽ được lắp đặt camera, tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. |
Theo ông Dực, thí điểm thành lập thanh tra xây dựng để quản lý trật tự xây dựng trong bối cảnh đang đô thị hóa nhanh, nhưng thành phố vẫn có nhiều công trình xây dựng sai phép. "Thanh tra xây dựng chiếm một nửa hay 1/3 biên chế. Thực sự tôi băn khoăn, cần suy nghĩ vấn đề này để thấy chúng ta bố trí đã hợp lý chưa?, ông Dực nói thêm.
Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội còn nhận xét, chất lượng thi công chức có nhiều vấn đề, bài thi của một số công chức không sai so với đáp án một dấu phẩy.
"Tôi từng chấm thi và phát hiện 2 giáo viên tự ý lấy bài của thí sinh để chấm. Tôi yêu cầu Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phải kiểm điểm giáo viên này. Ví dụ này cho thấy chất lượng tuyển công chức của chúng ta không ổn tý nào. Thời gian qua một số quận huyện tổ chức thi biên chế tốt, song một số nơi chạy chọt để vào, có nơi người xin vào biên chế chi không dưới 100 triệu đồng", ông Dực bày tỏ.
Cũng theo ông Trưởng ban Kiểm tra, nhiều người nói chi dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ. "Tôi xin mách với lãnh đạo quận huyện là Trưởng phòng Nội vụ quận huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền 'chạy' của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại", ông này nói thêm.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, chất lượng cán bộ yếu kém là tồn tại lịch sử, việc nhận cán bộ vào làm việc đã được phân cấp cho quận, huyện, sở, ngành khác. Để có lực lượng cán bộ kế cận, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng thành phố cần tuyển sinh viên tốt nghiệp chính quy loại khá, đưa xuống làm việc tại cơ sở trong 24 tháng và làm việc thực tiễn 5 năm rồi sẽ cho thay thế số cán bộ chủ chốt nghỉ hưu. Còn việc thi tuyển công chức vẫn phải theo quy định chung nên không thể thay đổi được.
Các cơ quan hành chính sẽ được lắp đặt camera nhằm nâng cao chất lượng làm việc, đánh giá công chức, cùng với xây dựng chế tài đi kèm thủ tục hành chính, ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, người dân sẽ đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm bộ phận đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Bàn về nội dung này, Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, do lịch sử để lại mà Hà Nội đang tồn tại lực lượng cán bộ không đảm nhiệm nhiệm vụ. Thành phố phải chỉnh sửa, nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có.
Các đại biểu HĐND Hà Nội đồng thuận thông qua Nghị quyết biên chế hành chính với 73% số phiếu tán thành.
Theo đánh giá của UBND thành phố, công tác thi tuyển công chức được thông tin rộng rãi, công khai. Toàn bộ quá trình tổ chức thi đều được Ban Giám sát thực hiện độc lập, đúng quy định. Năm 2012, đã tuyển dụng được 743 công chức hành chính cho các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã (đạt 86%). Trong đó, khối sự nghiệp đã tuyển được 13.110 viên chức (565 người làm việc tại các sở, ban, ngành; 817 giáo viên khối THPT thuộc Sở GD&ĐT; 6.528 viên chức giáo dục làm tại 29 quận, huyện, thị xã, gồm cả 5.200 giáo viên mầm non). Dự kiến năm 2013 Hà Nội sẽ tuyển dụng 10.938 biên chế hành chính, 143.000 biên chế sự nghiệp (trong đó có 500 biên chế dự phòng). |
Đoàn Loan