Hiện hai mẹ con Tâm được công an huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cho ở tạm tại trụ sở đơn vị và bố trí bảo vệ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đồng Xuân kể ngoài cơm với mắm, Tâm không ăn bất cứ món nào khác. “Có mấy lần, chúng tôi đổi món nhưng Tâm không dùng được. Em chỉ ăn cơm với mắm; còn thịt, cá thì gạt ra ngoài”, bà Trúc cho biết.
Mỗi ngày, Hội Liên hiệp phụ nữ và Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Đồng Xuân luân phiên cử một cán bộ nữ đến công an huyện, nơi mẹ con Tâm tạm tá túc, để giúp đỡ cả hai làm quen với cuộc sống bình thường.
Mẹ con Tâm và bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Phú Yên (phải) đến thăm hỏi, động viên. Ảnh: Thiên Lý. |
Chị Đặng Thị Thu Thủy, công an huyện Đồng Xuân ở gần phòng của hai mẹ con Tâm cho biết: “Cô ấy lạ lẫm với mọi thứ. Sau mấy ngày đầu rụt rè, được sự quan tâm, động viên của mọi người nên giờ Tâm đã quen dần, gần gũi, thân thiện hơn”.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động Phú Yên, nói sau khi vụ việc kiểm tra xác định lời tố cha loạn luân hoàn tất sẽ đưa mẹ con Tâm vào Trung tâm nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh để trang bị kỹ năng sống, sớm hòa nhập cộng đồng. Còn ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, đã chỉ đạo chính quyền xã Xuân Sơn Nam sớm làm giấy khai sinh cho cháu bé - con gái Tâm.
Cô gái 25 tuổi kể lại cuộc sống 8 năm trong rừng của mình: “Em sống một mình, đi chăn bò, tự nuôi con nhỏ”.
Khu vực Lỗ Vàng (người dân địa phương đọc chệch thành Lỗ Dàng) nằm trong những cánh rừng già, cách thị trấn La Hai khoảng 10 km đường rừng núi. Nơi đây thảng hoặc mới có vài bóng người đi làm rừng, làm rẫy. Căn chòi tạm bợ làm nơi dung thân cho hai mẹ con Tâm.
Mẹ con Tâm trên cánh võng treo giữa rừng, trước khi được một số người thuyết phục đưa về công an huyện Đồng Xuân. Ảnh: Thiên Lý. |
Cô kể rằng, năm 17 tuổi, cô cùng người anh được cha là ông Đặng Ngọc Hải (sinh năm 1950, ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) đưa lên rừng Lỗ Vàng để chăn bò. Sau đó không chịu nổi đói khổ và sốt rét, người anh bỏ trốn vào Sài Gòn. Thỉnh thoảng, ông Hải lên thăm đàn bò và tiếp tế lương thực cho con gái. Gọi là lương thực nhưng chỉ gạo hẩm, nước mắm và cá muối mặn để lâu ngày. Suốt gần 8 năm trời, thực đơn của Tâm và cả sau này có con nhỏ, chỉ có vậy và rau rừng.
"Nhiều lúc hết gạo, tôi nấu rau rừng, trồng đu đủ quanh chòi cho con ăn qua ngày. Hôm nào có bột ngọt ba mang lên, hai mẹ con nấu canh đu đủ nêm bột ngọt là bữa ngon nhất".
“Chính ba mẹ đỡ đẻ cho tôi giữa rừng sâu. Sinh xong do thiếu sữa nên con cứ khóc hoài, giữa rừng sâu đâu có biết ai mà xin sữa cho con bú thêm. Mệt, ăn không nổi, tôi phải ráng ăn đu đủ để có sữa cho con bú”, cô nhớ lại.
Sinh con trên núi rừng nên người mẹ trẻ đặt tên con mình là Núi. “Hồi nó mới nằm ngửa, lúc tôi đi chăn bò, con bé khóc thét, khóc đã rồi nín nằm ngọa nguậy một mình", Tâm giãi bày và nói thêm rằng thấy đứa bé ngày càng lớn, cha cô cứ bảo để nó chết đi. "Mỗi lần lên núi, ổng lại đánh, hăm giết nên tôi rất sợ, không dám về”.
Ngày 10/6, nhờ một số người gặp và thuyết phục, Tâm ôm con bỏ cuộc sống giữa rừng, về công an huyện Đồng Xuân tố cáo người cha đã cưỡng hiếp, bạo hành mình.
Cán bộ Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Đồng Xuân sáng nay đã đưa Tâm đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, để mở tài khoản mang tên thật của cô, và kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. Độc giả quan tâm có thể liên hệ bà Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Phú Yên, số điện thoại: 0913.472.633; hoặc Trung tâm công tác xã hội trẻ em tỉnh Phú Yên, số điện thoại: 057.389.0000.
Thiên Lý
* Tên cô gái đã được thay đổi.