Trung tướng Phạm Đức Lĩnh. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu nước ngoài đe dọa về tính mạng và tài sản khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền. Trách nhiệm của lực lượng cảnh sát biển được thể hiện ra sao?
- Chúng tôi tổ chức phương thức hoạt động trên cơ sở duy trì sự có mặt cảnh sát biển càng nhiều ngày trên biển càng tốt đặc biệt ở vùng biển giáp ranh, chồng lấn. Những năm gần đây cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường hoạt động để ngư dân thấy có lực lượng cảnh sát biển thì yên tâm hơn nhất là khi có tình huống phức tạp. Đồng thời, nếu bà con ngư dân vượt sang biển nước khác thì chúng tôi cũng thông báo, ngăn chặn việc vi phạm vùng biển nước bạn.
Tuy nhiên, do diện tích vùng biển nước ta lên tới 1 triệu km2, phương tiện hạn chế nên các vùng biển xa thì chưa thể đi thường xuyên. Các phương tiện chưa bảo đảm đi trong thời tiết phức tạp, sóng gió cấp 9-10 hoặc dài ngày trên biển. Hiện tại lực lượng cảnh sát biển chỉ đáp ứng được 30-40% so với yêu cầu.
Còn về vấn đề khai thác thủy sản trên biển thì theo tôi chỉ khi nào giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các quốc gia trong khu vực có văn bản ký hợp tác khai thác thủy sản thì bà con mới thực sự yên tâm đánh bắt.
- Cảnh sát biển là một trong các cơ quan đầu mối hợp tác chung về nghề cá với Trung Quốc. Hiện nay việc hợp tác như thế nào?
- Hợp tác với các lực lượng của Trung Quốc trên biển thì cảnh sát biển là một cơ quan đầu mối, cùng phối hợp với hải quân, bộ đội biên phòng và Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Hàng năm hai nước đều duy trì việc rà soát vùng đánh cá chung, trong quá trình đó kiểm tra cả tàu Việt Nam và Trung Quốc. Nhìn chung, việc hợp tác đã có kết quả tốt, góp phần chấn chỉnh hoạt động đánh bắt thủy sản.
Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cho phép lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc. Nếu chưa triển khai được toàn bộ thì thực hiện trước ở một số tỉnh miền biển.
- Ngoài việc hợp tác, chúng ta cần chủ động trang bị phương tiện như thế nào để đảm bảo việc duy trì an ninh, trật tự trên vùng biển chủ quyền?
- Về mặt phương tiện, dù kinh tế nhiều khó khăn nhưng Chính phủ rất quan tâm tới các lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự, an ninh trên biển. Tới đây cảnh sát biển sẽ được tập trung đầu tư tàu và sẽ có tàu trên 2.000 tấn, đảm bảo hoạt động liên tục 40 ngày đêm trong thời tiết phức tạp gió cấp 12 sóng cấp 9; tàu cứu nạn, sân bay trực thăng, buồng quân y cấp cứu được 120 người... Ngoài ra, cảnh sát biển cũng được trang bị máy bay để tuần thám toàn bộ vùng biển thềm lục địa Việt Nam.
- Trong trường hợp quốc gia khác thực hiện thăm dò dầu khí, đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế thì thì cảnh sát biển sẽ bảo vệ chủ quyền như thế nào?
- Bảo vệ vùng biển chủ quyền phải là sức mạnh tổng hợp chứ không thể chỉ do một lực lượng mà có thể làm được. Trên biển, tất cả lực lượng có tàu thuyền đều phải tham gia bảo vệ chủ quyền. Trong đó hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt.
Nếu nước ngoài đến thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa - tức là vùng biển chủ quyền của ta thì phải bảo vệ đến cùng. Đây là biển của Việt Nam chứ không phải là vùng biển chồng lấn. Việt Nam là thành viên của công ước Luật biển 1982 nên sẽ làm đúng trách nhiệm và điều khoản của Công ước, đồng thời, yêu cầu các nước khác thực hiện đúng như thế.
Còn nếu nước nào đặt giàn khoan thì rõ ràng đã vi phạm quyền chủ quyền của chúng ta. Chúng ta cương quyết không để xảy ra việc này. Tuy nhiên, chúng ta luôn tuân thủ nguyên tắc giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở hòa bình và độc lập chủ quyền, đó là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam.
Nguyễn Hưng ghi