Sáng nay, thảo luận về đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thuyết nhất trí với việc xây dựng quy chế bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu bởi điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội, Luật Giám sát.
Đồng quan điểm, đại biểu Ngô Đức Mạnh đề nghị cần xây dựng quy chế bỏ phiếu tín nhiệm sao cho khả thi nhằm giúp Quốc hội thể hiện chính kiến đối với sự điều hành của các chức danh do Quốc hội bầu ra.
Về phạm vi bỏ phiếu, theo đại biểu Phạm Xuân Thường do số lượng chức danh Quốc hội bầu lên tới gần 500 nên bỏ phiếu tất cả thì tốn quá nhiều thời gian, không cần thiết. Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị, trước mắt cần bỏ phiếu đối với Phó chủ nhiệm Ủy ban trở lên và cuối nhiệm kỳ lấy tín nhiệm tổng thể.
Đại biểu Phùng Văn Hùng đề xuất nên bỏ phiếu từ bộ trưởng trở lên và không bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm mà có thể triển khai mỗi khi cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, nên bỏ phiếu vào năm thứ hai và thứ tư nhiệm kỳ đối với chức danh là bộ trưởng và tương đương trở lên. "Đầu năm 2013 bắt đầu thực hiện, sau đó mở rộng dần", Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.
![]() |
Đại biểu Lê Thị Nga: " Bỏ phiếu bất thường là k hi dư luận cử tri bức xúc". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Nhất trí với việc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, cần có 2 hình thức là bỏ phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm. "Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ giúp lãnh đạo năng động hơn, tránh cảm giác bị bỏ phiếu và chỉ nên bắt đầu từ cuối năm 2 của nhiệm kỳ. Còn bỏ phiếu bất thường (bất tín nhiệm) là k hi dư luận cử tri bức xúc", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề xuất và cho rằng chỉ nên áp dụng đối với bộ trưởng và tương đương trở lên.
Đồng thời, bà Nga đề nghị phải quy định rõ việc kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm dựa vào tiêu chí nào, bởi quy định phải có 20% số đại biểu Quốc hội đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu là không khả thi.
Trước việc "đại biểu vừa qua tranh luận rất nhiều về trách nhiệm của những chức danh cho Quốc hội bầu", đại biểu Danh Út đề nghị cần lấy phiếu tín nhiệm hàng năm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh có vấn đề.
Còn theo đại biểu Vũ Hải Hà, sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, nếu kết quả bất lợi cho người nào đó thì phải bãi nhiệm. "Còn nếu chỉ để xem tín nhiệm của đại biểu đó thế nào thì nên gọi là lấy phiếu tín nhiệm", đại biểu của tỉnh Đồng Nai bày tỏ.
Khẳng định việc bỏ phiếu tín nhiệm là "vấn đề rất lớn", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Đảng đã có chủ trương và có đề án nói rõ cuối năm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có quy chế và trình đề án ra Quốc hội.
"Vấn đề là phải làm rõ giữa việc bỏ phiếu theo thẩm quyền Quốc hội và vấn đề lấy ý kiến thường xuyên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Đây là những vấn đề mà chúng tôi sẽ báo cáo lại với Quốc hội trong thời gian tới", ông Lưu nói thêm.
Tiến Dũng