Cho rằng báo cáo của Chính phủ quá dàn trải và có phần xem nhẹ công tác quản lý nhà nước (chỉ đề cập 25 dòng), đại biểu Nguyễn Đình Quyền bức xúc: "Từ năm ngoái đến nay, lần nào Chính phủ cũng đánh giá là bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực hiệu quả còn thấp. Trong khi cải cách hành chính thực hiện hàng chục năm. Chúng ta đã cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ. Nhưng kết quả vẫn vậy, cán bộ từ cơ sở đến trung ương đều có vấn đề về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức".
Ông Quyền tỏ ý khó hiểu tại sao Quốc hội chưa yêu cầu Chính phủ báo cáo về công tác cải cách hành chính và đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước. "Việc vay vốn trong gói kích cầu vừa qua là có tiêu cực. Chính sách kinh tế hay bao nhiêu, nhưng cán bộ dở thì cũng chẳng mang lại kết quả tốt đẹp", ông Quyền nói và đề nghị trong nghị quyết kỳ họp của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước.
"Tôi nhất trí với đại biểu Quyền là phải kiểm điểm trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ cuối năm", đại biểu Chu Sơn Hà lên tiếng. Ông Hà cũng phản ánh bức xúc của cử tri trước tình trạng chạy trường, trái tuyến, thu quá nhiều khoản phí.
"Điều này cho thấy quản lý giáo dục chưa được quan tâm, đạo đức người thầy có vấn đề. Giáo dục có rất nhiều phong trào trước là ba không, giờ là trường học thân thiện... nhưng không tổng kết, đánh giá, trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực vẫn kém", ông Hà nhận xét.
Không đồng tình với đại biểu Sơn Hà, bà Phạm Thị Hồng Nga lên tiếng: "Tôi thấy giáo dục của ta rất tiến bộ". Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận giáo dục chưa gắn với nhu cầu sử dụng, đào tạo ồ ạt nhiều giáo viên tiếng Anh, trong khi các môn Toán học, Địa lý, Vật lý lại thiếu. Việc phân luồng học sinh sau THCS còn yếu, chỉ 7% học. Việc nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp lên cao đẳng, rồi đại học chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Minh Hà đề cập tới lo lắng của cử tri trước tình trạng tai nạn giao thông hiện nay. "Gia đình có người phải ra ngoài đường, đến giờ chưa về, là cả nhà nơm nớp lo sợ bị tai nạn giao thông. Có đôi vợ chồng sáng chia tay vui vẻ, chiều một người đã mãi mãi không về bị tai nạn", nữ đại biểu kể. Cũng trăn trở về vấn đề này, đại biểu Đặng Huyền Thái khẳng định: "Ùn tắc, tai nạn giao thông đang cản trở sự phát triển của Hà Nội và TP HCM".
Trước đó, báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN Huỳnh Đảm cho biết, một trong 5 vấn đề được quan tâm là quản lý đô thị và an toàn giao thông. Cử tri cho rằng dù Chính phủ, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo thực hiện kiềm chế tai nạn giao thông, nhưng số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn gia tăng.
"Chỉ trong thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Tuy Hòa (Phú Yên), Đoan Hùng (Phú Thọ), Chi Lăng (Lạng Sơn), Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… làm nhiều người chết và bị thương. Hầu hết các vụ lại xảy ra ngay trong “Tháng an toàn giao thông”, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân", ông Đảm nói.
Hồng Khánh