Sáng 26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Hầu hết cử tri đều phấn khởi về những công việc Quốc hội đã làm được như thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm 49 cán bộ cấp cao, kiểm kê công khai tài sản cán bộ. Song, vẫn còn nhiều bức xúc cũng như kiến nghị của cử tri xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 sáng 26/11, tại TP HCM. Ảnh: Hữu Công. |
Ông Nguyễn Xuân Mậu, cử tri phường Nguyễn Thái Bình cho rằng, tham nhũng là một vấn nạn "cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến mất nước" nên phải xử lý triệt để. "Trong vụ Dương Chí Dũng, một người không thể nào tham nhũng nhiều đến vậy mà phải có những người liên quan. Cần phải làm kiên quyết từ trung ương đến địa phương", ông Mậu nêu ý kiến.
Theo bà Phạm Thị Nga, cử tri phường Bến Thành, dù người dân tại khu phố bà rất phấn khởi trước thông tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, nhưng nhiều người cũng băn khoăn, nếu bỏ phiếu liệu có nảy sinh vấn đề vận động. "Còn kiểm soát, công khai tài sản cán bộ thì những người làm công tác này có được bảo vệ hay không?", bà Nga đặt vấn đề và cho biết báo chí là kênh chống tham nhũng quan trọng nhưng hiện nay các nhà báo chưa được bảo vệ, cản trở và thậm chí trù úm.
Cũng là cử tri phường Bến Thành, ông Nguyễn Minh Châu đề nghị trong kỳ họp Quốc hội tiếp theo vào tháng 5/2013, các đại biểu Quốc cần thực hiện theo nguyện vọng của người dân. Những cán bộ không đạt đủ số phiếu, cần phải bị xử lý mạnh. "Ông nào đó có vấn đề rồi mà sau kỳ họp Quốc hội vẫn như cũ thì dân sẽ bị mất lòng tin. Dân đã bị mất lòng tin thì không thể làm được gì cả", ông Châu thẳng thắn.
Một cử tri khác cũng bày tỏ: "Trước đây tham nhũng chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng nay đã thành cả một nồi canh sâu. Giải pháp nào để xử lý hiệu quả?". Trong khi đó, nhiều người lại lo lắng: "Người dân tố cáo tham nhũng thì làm sao để khỏi bị trù úm? Họ phải làm gì khi không còn tin tưởng vào chính quyền địa phương?".
Hầu hết ý kiến của các cử tri quận 1 đều tập trung xoay quanh vấn nạn tham nhũng. Ảnh: Hữu Công. |
Sau khi tiếp nhận 15 câu hỏi của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, việc kiểm tra giám sát những người được Quốc hội phê chuẩn, những chức danh được HĐND các cấp bầu ra là việc làm rất quan trọng trong tổng thể hệ thống giải pháp phòng chống tham nhũng. "Tuy chỉ là một khâu nhưng nó hệ trọng lắm. Nếu làm tốt, đúng đắn, có hiệu quả chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, từ nay cán bộ thuộc diện cấp ủy bầu ra thì hàng năm phải lấy phiếu tín nhiệm. Thường vụ thành ủy phải chịu sự kiểm tra giám sát của BCH Đảng bộ TP, còn ủy viên Bộ Chính trị thì hàng năm phải chịu sự kiểm tra giám sát của Ban chấp hành Trung ương. "Thật chạnh lòng khi lòng tin vào Trung ương bị giảm sút. Báo chí cũng cần nêu vấn đề này để mỗi ủy viên trung ương phải suy nghĩ để rồi tự răn mình", Chủ tịch nước thẳng thắn.
Về trường hợp bị trù dập khi tố cáo tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, một người có thể bị trù úm, mươi người có thể bị trù úm, nhưng cả dân tộc chống tham nhũng thì không có gì phải sợ. "Tôi biết có anh em thân cô, thế cố bị trù úm. Tôi nói thật, cá nhân chúng tôi trong quá trình làm cách mạng cũng từng bị trù dập. Họ dùng công cụ là không cho mình lên chức, lên lương. Mình không cần những thứ đó thì người ta không còn công cụ nào để khống chế mình", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các cử tri quận 1 sau hội nghị. Ảnh: Hữu Công. |
Kết thúc hội nghị, thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước cảm ơn các cử tri đã đóng góp ý kiến, đồng thời kêu gọi các cử tri tiếp tục hiến kế, thậm chí phê phán trực tiếp để tổ đại biểu Quốc hội có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện theo nguyện vọng cử tri. "Nếu người dân không tin chính quyền địa phương hoặc phát hiện nhưng không ai giải quyết thì hãy gửi đơn cho chúng tôi", Chủ tịch nước nhắn nhủ.
Hữu Công