Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Vừa qua, UBND Đồng Nai đã có văn bản cho rằng chưa đủ cơ sở tạm đình chỉ hoạt động của công ty Vedan. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi vừa trực tiếp làm việc với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về vấn đề này. Việc tạm đình chỉ Vedan là biện pháp khắc phục hậu quả, không phải là hình thức xử phạt bổ sung như UBND tỉnh Đồng Nai hiểu. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có văn bản chấp nhận ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường. Việc đóng cửa Vedan hiện chỉ còn chờ UBND tỉnh Đồng Nai.
- Trước những sai phạm của Vedan, Bộ đã đề xuất đóng cửa nhà máy từ đầu tháng 10. Ông nghĩ gì trước sự chậm trễ của tỉnh Đồng Nai?
- Vừa qua, UBND Phú Thọ đã có động thái rất kiên quyết, đóng cửa nhà máy Miwon. Theo tôi biết, có thể hôm nay tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định chính thức. Tất nhiên, chúng ta đình chỉ hoạt động của Vedan ở những lĩnh vực có phát sinh nước thải.
Khi nào các ống ngầm xả thải gian dối được dỡ bỏ, hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn, chúng tôi mới cho phép nhà máy hoạt động. Không thể châm chước Vedan bởi sai phạm của họ là cố ý chứ không phải yếu kém về công nghệ.
Vedan vẫn chưa bị đóng cửa vì những "vướng mắc" pháp lý. Ảnh: Thiên Chương. |
- Ngoài khoản tiền phạt, truy thu phí môi trường hơn 127 tỷ đồng, Vedan sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe người dân và môi trường sông Thị Vải như thế nào?
- Hiện Vedan đã nộp 267,5 triệu đồng tiền phạt nhưng còn trì hoãn khoản truy thu phí môi trường hơn 127 tỷ đồng. Tôi khẳng định, Vedan phải nộp đủ 2 khoản trên mới cho hoạt động.
Bộ Tài nguyên Môi trường đang lập các nhóm chuyên gia đánh giá ô nhiễm 10 km sông Thị Vải như chất lượng nước, các chỉ tiêu sinh học, thiệt hại về kinh tế... Bản báo cáo này sẽ sớm được công bố, khoản tiền Vedan phải bồi thường sẽ không nhỏ.
Tổng vốn đầu tư của Vedan cỡ 500 triệu USD, đáng lẽ phải dành 10-15% vốn đầu tư (50-70 triệu USD) cho việc xử môi trường. Nhưng hiện Vedan chỉ đầu tư 3 triệu USD, như vậy đã hưởng lợi từ khoản tiền gần 50 triệu USD.
- Cơ quan chức năng nhiều lần đặt ra vấn đề khởi tố Vedan, tại sao chúng ta không thực hiện?
- Vừa rồi, chúng tôi họp với VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an để xem khởi tố vụ án Vedan và thấy rằng chưa đủ căn cứ pháp lý. Đây là một bài học cho chúng ta trong việc xây dựng luật, bởi chưa có tiền lệ xử lý hình sự doanh nghiệp nước ngoài. Tới đây, chúng ta phải xem xét, bổ sung vào Luật hình sự việc xử lý tội phạm về môi trường.
Hiện, khung xử phạt vi phạm hành chính môi trường tối đa tối đa 70 triệu cho một hành vi. Chúng tôi đang đề xuất nâng mức xử phạt tối đa lên 500 triệu đồng.
Với lỗi tương tự, Miwon đã phải đóng cửa dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Hàng trăm nông dân đang khiếu kiện đòi Vedan bồi thường thiệt hại. Các cơ quan chức năng sẽ trợ giúp người dân?
- Người nông dân có quyền khởi kiện nếu có đủ chứng cứ về thiệt hại do Vedan gây ra. Về nguyên tắc, ai gây ra ô nhiễm, người đó phải bỏ tiền ra khắc phục. Bộ Y tế cũng cần phải vào cuộc để xác định mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Việc kiện tụng rất phức tạp, người dân nên nhờ sự tư vấn của luật sư
- Vedan chỉ là một trong rất nhiều đơn vị vi phạm môi trường trên cả nước. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra ở đâu?
- Việc xử lý Vedan vừa qua nhằm cảnh báo tất cả các nhà máy, xí nghiệp khác về vấn đề môi trường. Tới đây, Bộ sẽ cùng cơ quan công an, UBND các tỉnh, công an kiểm tra tất cả các nhà máy bia, bột ngọt, giấy, dược liệu... Đây là những đơn vị có lượng chất thải nguy hại lớn.
Việt Anh - Nguyễn Hưng thực hiện