Tại kỳ họp này có 149 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi tới 19 bộ trưởng, trưởng ngành. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn sáng nay.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhắc lại thực trạng khiếu kiện liên quan tới đất đai, một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Ông Sơn đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên cho biết những giải pháp cụ thể.
Đi thẳng vào các điểm nóng tồn tại nhiều năm qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đặt vấn đề: "Xin Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm cơ quan tham mưu, tại sao kết quả giải quyết khiếu nại trên 90% song người dân vẫn khiếu nại nhiều? Trong khi chờ sửa luật, làm gì để giải quyết các điểm nóng?".
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, thời kỳ bao cấp thì thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không phức tạp nhưng đến thời kinh tế thị trường thì hoàn toàn ngược lại. Nguyên nhân có nhiều như việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ, công khai; việc tiến hành còn chưa kiên quyết...
"Nguyên nhân cơ bản là do giá đất bồi thường còn thấp, chưa chú trọng quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, chưa chú trọng chuyển nghề cho người bị thu hồi đất", ông Quang nói và cho biết thêm, thời gian qua có sự mâu thuẫn về lợi ích của người dân, chủ đầu tư liên quan tới cơ chế tự thỏa thuận do mức thỏa thuận cao hơn mức nhà nước đưa ra
Tuy nhiên, theo ông Quang, từ khi thực hiện Nghị định 69 năm 2009 (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) thì công tác bồi thường có bước tiến đáng kể. Nghị định này khi đi vào thực tiễn đã giải quyết cơ bản cơ bản về giá đất, bồi thường, hỗ trợ, quyền lợi người bị thu hồi đất được cải thiện so với trước đây.
Đề cập đến những vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) đại biểu Bùi Thị An đề nghị người đứng đầu ngành Tài nguyên cho biết tiến độ giải quyết .
"Vụ việc ở Tiên Lãng là đáng tiếc, bài học sâu sắc cho chúng tôi', ông Quang đáp. Theo ông, ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND Hải Phòng đã phối hợp chỉ đạo giải quyết việc quản lý bất bãi bồi ven sông, ven biển. Ngày 8/6, UBND Hải Phòng đã có ý kiến cho gia đình ông Vươn thuê lại diện tích đất bãi.
Đối với vụ Văn Giang, theo ông Quang, dự án đã được phê duyệt, việc cưỡng chế 166 hộ tháng 4 vừa qua là trong quá trình thực thi pháp luật đất đai tại địa phương. Bộ Tài nguyên Môi trường đã cử đoàn công tác xuống địa phương nắm tình hình. Một trong số kiến nghị của người dân là tỉnh nên thu hẹp diện tích triển khai dự án.
Liên quan tới câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Lâm về tích tụ ruộng đất theo hướng hàng hóa, hiện đại; thời hạn sử dụng đất, ông Quang cho biết, Bộ đã nghiên cứu theo hướng mở rộng thời hạn để người dân yên tâm. Hướng là nâng mức lên 50 năm. Còn mức hạn điền 6 ha, sắp tới có thể nâng lên gấp 5-10 lần, đi kèm với giải pháp thuế để tránh đầu cơ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé: "Tại sao kết quả giải quyết khiếu nại trên 90% song người dân vẫn khiếu nại nhiều?" Ảnh: TTXVN. |
Trả lời đại biểu Võ Kim Cự (Chủ tịch UBND Hà Tĩnh) về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Quang cho biết, trong lĩnh vực này, tỷ lệ giao giấy chứng nhận cao nhất là ở đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở nông thôn trên 80%. Còn đất ở đô thị, đất chuyên dùng (công sở) chỉ mới đạt lần lượt 63% và 60%, Bộ sẽ tập trung giải quyết nâng tỷ lệ này lên tới 80% trong năm 2013.
Cũng trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên đã trả lời các đại biểu về tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông và làng nghề. Tuy nhiên, theo ông Quang, kinh phí cho lĩnh vực này còn quá thấp. Ví dụ, để đầu tư xử lý nguồn nước ở mỗi lưu vực sông như sông Cầu, Nhuệ - Đáy hay Đồng Nai - Sài Gòn cần tới 3.000 tỷ mỗi năm song hiện tổng kinh phí chỉ mới có 1.000 tỷ.
Liên quan tới giải pháp đột phá, ông Quang cho rằng, đây là vấn đề bức bách, nan giải song trong điều kiện nguồn lực có hạn việc xả thải liên quan tới nhiều đối tượng nên việc làm cho các dòng sông trong xanh trở lại “cần có thời gian”. Ngay lập tức đại biểu Bùi Thị An tái chất vấn rằng không thể để mấy chục triệu dân chịu ô nhiễm, phát sinh nhiều bệnh lạ như hiện nay: “Bao giờ, thì người dân được sống sạch, trong lành?”
Cau mày trước câu hỏi “hóc búa” của bà An, ông Quang vẫn trả lời chung chung và cho rằng do thiếu nguồn lực, ý thức người dân doanh nghiệp. “Đến 2020 chúng ta không thể không giải quyết các vấn đề cơ bản”, ông Quang nói.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Lê Bình Khanh về vấn đề các khu công nghiệp bỏ hoang, xả thải, ông Quang cho rằng, việc phát triển các khu công nghiệp là theo kế hoạch, quy hoạch. Thực tế, có khu công nghiệp sớm nhất như Tân Thuận cũng phải mất 20 năm mới lấp đầy. Quan điểm của Bộ là không hy sinh môi trường bằng mọi giá và khẳng định các đại biểu có thể “yên tâm” về giải pháp của ngành tài nguyên về lĩnh vực này.
“Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra và có biện pháp, nếu khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải thì không cho hoạt động”, ông Quang nói.
Trong sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phòng Tranh cũng giải đáp một số thông tin liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, đến nay còn 904 vụ việc khiếu kiện kéo dài liên quan tới đất đai, từ nay tới hết 2012, các vụ việc sẽ cơ bản được xử lý.
Chốt lại buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, cách đặt câu hỏi của đại biểu rõ ràng đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng; bộ trưởng Quang trả lời khá đầy đủ. “Những việc mang tính chất là lời hứa mong Bộ trưởng thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhắc.
Chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ đăng đàn.
Nguyễn Hưng