Đánh giá về sức tàn phá và mức độ thiệt hại của bão số 9, cả chuyên gia khí tượng và người làm công tác phòng chống lụt bão thường so sánh với Xangsane, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay đổ bộ vào miền Trung.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, về cường độ, bão số 9 mạnh tương đương Xangsane quét qua Đà Nẵng, đạt cấp 12-13. Hướng di chuyển của chúng gần giống nhau, chỉ khác là khi gần bờ, bão số 9 đi chậm lại và chếch xuống phía nam. Còn Xangsane đi nhanh, không đổi hướng mà đánh thẳng vào thành phố Đà Nẵng.
Ngày 29/9, khi bão vào Quảng Nam - Đà Nẵng thì cũng là lúc đỉnh lũ trên sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) vượt mức lịch sử năm 1964 tới 0,7 m. Lũ lớn, nhấn chìm nhiều vùng dân cư của Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ảnh: Trà Bang. |
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai cơn bão là thời gian tàn phá. Bão Xangsane chỉ quét qua Đà Nẵng khoảng 2 giờ, trong khi bão số 9 từ khi cách bờ 140 km (lúc 4h sáng 29/9) đã gây gió mạnh cấp 10 cho vùng đất liền Đà Nẵng, Quảng Nam và hoành hành ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đến tận 16h chiều cùng ngày. Nghĩa là thời gian tàn phá của bão số 9 là hơn 12h.
Một điểm khác biệt nữa theo cơ quan khí tượng là thời điểm mưa và lượng mưa. Trước và trong khi vào đất liền, bão số 9 gây mưa rất to. Lượng mưa trong 3 ngày (28-30/9) tại Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến 914 mm, tại Nam Đông (Thừa Thiên Huế) là 884 mm. Các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum phổ biến 200-400 mm. Mưa to, đẩy lũ trên sông Trà Bồng vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1964 tới 0,7 m. Với Xangsane, lượng mưa sau bão là 200-300 mm, vì thế lũ không lớn.
Chính vì đặc điểm nói trên nên theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, bão số 9 tàn phá mạnh hơn bão Xangsane. Nếu Xangsane chỉ gây thiệt hại cho Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế thì bão số 9 ngoài gió mạnh, mưa to, lũ lớn đã tàn phá một loạt tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, và một phần Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum). "Thậm chí, bão lũ đợt này còn gây thiệt hại cho cả Campuchia. Phía bạn đã nhờ ta cứu hộ hơn 500 người dân", ông Diệu cho biết.
Cũng theo ông Diệu, bão số 9 với phạm vi tác động rộng, cường độ mạnh, bão song hành với lũ đã khiến cho công tác phòng chống gặp rất nhiều khó khăn, bởi vừa phải đối phó với gió bão, vừa dồn sức chống lũ. Vì thế, số người chết do bão số 9 cũng nhiều hơn (thống kê đến ngày 2/10 có 122 người chết, 12 người mất tích). Trong khi bão Xangsane làm 72 người chết. "Xangsane người dân chủ yếu chết vì gió bão giật đổ nhà cửa, nhấn chìm tàu thuyền. Còn cơn bão số 9 phần lớn chết do mưa lũ", ông Diệu nói.
Sau bão lũ, người dân mất chốn nương thân. Ảnh: Báo Quảng Nam. |
Về vật chất, ước tính đến hôm nay của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là gần 12.000 tỷ đồng, hơn 2.000 tỷ đồng so với bão Xangsane. Số nhà cửa bị giật sập, bị lũ cuốn trong bão Xangsane năm 2006 lên đến 20.000, nhà bị tốc mái, hư hỏng là 273.000. "Còn bão số 9, do người dân đã rút kinh nghiệm, gia cố lại nhà cửa nên số bị giật sập ít hơn, số bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng cũng ít hơn", ông Diệu cho biết.
Cơn bão Xangsane được ghi nhận là lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào miền Trung. Riêng Đà Nẵng, nơi tâm bão đi qua, đã có 26 người chết, gần 10.000 nhà sập, 73.000 nhà khác tốc mái. Bão đã kéo lùi sự phát triển của thành phố này tới 10 năm.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, đến cuối ngày 2/10, toàn miền Trung và Tây Nguyên có 122 người chết do bão lũ, tăng 23 người so với 1/10. Cụ thể: Hà Tĩnh 5; Quảng Bình 2; Quảng Trị 10; Thừa Thiên Huế 9; Đà Nẵng 7; Quảng Nam 9; Quảng Ngãi 33; Bình Định 6; Phú Yên 1; Kon Tum 33; Đăk Lăk 1; Đăk Nông 2; Lâm Đồng 2; Gia Lai 2). Hiện còn 12 người mất tích, trong đó Quảng Trị 2; Thừa Thiên Huế 2; Quảng Ngãi 2; Phú Yên 3; Kon Tum 3. |
Hồng Khánh