Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, 10h sáng tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 470 km, mạnh cấp 9 (sức gió tối đa 88 km một giờ). Hôm nay, bão sẽ vượt đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi vào vịnh Bắc Bộ.
Đến 10h sáng mai, tâm bão trên vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 110 km, giảm còn cấp 8. Khi xuống vịnh, thay vì gần như đi ngang, bão sẽ chếch lên theo hướng Tây Tây Bắc, nhắm vào các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sau khi đổ bộ, bão nhanh chóng suy yếu.
Bắc biển Đông hôm nay còn có gió mạnh cấp 7. Vịnh Bắc Bộ (gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) từ chiều nay gió sẽ mạnh lên cấp 9, biển động rất mạnh. Ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, nơi sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, từ đêm nay sẽ có gió mạnh tới cấp 8.
Dự báo hôm nay của đài Việt Nam tương tự đài Hải quân Mỹ khi cho rằng bão tiến sâu vào vùng Đông Bắc Bộ của Việt Nam. Trong khi đó, đài Hong Kong lại nhận định bão chỉ đi qua Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó quặt lên hướng bắc, tiến sâu vào Trung Quốc.
Hà Nội được dự báo nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF. |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định, bão kết hợp với gió mùa tây nam sẽ gây mưa to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều và đêm nay. Đợt mưa kéo dài 2-3 ngày làm xuất hiện lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Hiện mực nước các sông thấp nên mức lũ dự báo chỉ đạt báo động 1.
Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhận định, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, biểu hiện là những cơn mưa to vào chiều tối và đêm nay. Trong 2-3 ngày tới, các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hà Nam lượng mưa 150-250 mm. Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nội dao động 100-150 mm.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện ở khu vực quần đảo Hoàng Sa còn 68 tàu thuyền với trên 800 lao động. Ở vịnh Bắc Bộ, nơi tâm bão sẽ đi qua, có 17.700 phương tiện đang hoạt động và neo đậu. Các phương tiện này đã được thông báo về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Bão Bebinca hình thành từ một áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Ngày 20/6, do tương tác với bão Leepi nên áp thấp nhiệt đới thay đổi hướng nhiều lần. Sáng 21/6, do Leepi đã di chuyển xa, không còn sự chịu sự chi phối nên áp thấp nhiệt đới đã di chuyển nhanh hơn, hướng đi mạch lạc hơn và mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão thứ hai trên biển Đông.
Dự báo năm nay số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có thể tới 13 cơn (cao hơn mức trung bình), nhưng chỉ 5-6 cơn ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam.
Hải Đông