Ngày 1/4, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Lê Minh Đức cho biết, đang cùng công an, bộ đội và chính quyền huyện Cần Giuộc, Cần Đước di dời người già, trẻ em trong những căn nhà tạm đến nơi an toàn. Địa điểm để dân ở tạm trong thời gian tránh bão là trường học, trụ sở UBND các xã Long Hựu, Long Hựu Tây, Phước Đông, Tân Chánh, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Phước Lợi...
Thống kê của lực lượng phòng chống lụt bão Long An cho thấy, hai ngày qua có khoảng 230 căn nhà bị tốc mái và 28 căn bị sập ở bốn huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là xã Phước Lý của huyện Cần Guộc với 108 căn.
Theo ông Đức, dù có thông tin khi bão vào đất liền sẽ tan thành áp thấp nhiệt đới nhưng ngành chức năng tỉnh này không thể chủ quan vì nhiều nhà dân đã bị sập, tốc mái gây thiệt hại lớn. Đến trưa 1/4, hầu hết phương tiện chở khách bằng đường thủy đã tạm ngưng hoạt động để đảm bảo tính mạng của người dân.
Ngoài việc cử bộ đội, dân phòng, thanh niên tình nguyện... giúp dân dựng lại nhà sập, lợp mái tôn, mái lá bị tốc, những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn được hỗ trợ 6 triệu đồng, tốc mái 3 triệu đồng. Gió lớn và lốc xoáy hai ngày qua cũng làm khoảng 2.000 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ rạp xuống mặt ruộng.
Một số tỉnh miền Tây khác có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão Pakhar cũng đã lên phương án chống bão. Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã sơ tán hơn 9.000 hộ dân đến các trường học, cơ quan hoặc nhà người thân được xây cất kiên cố để phòng khi bão đổ bộ vào đất liền ở cấp 7, cấp 8.
Nông dân phường Phú Thạnh (thành phố Tuy Hòa) dầm mưa gặt lúa bị đổ ngã. Ảnh: Xuân Hiếu. |
Trước đó, trưa 31/3 theo lệnh của UBND TP HCM, huyện Cần Giờ lên phương án di dời hơn 15.000 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Một ngày sau, huyện đã sơ tán khoảng 3.000 người dân từ xã đảo Thạnh An về đất liền, đồng thời thông tin đến du khách và yêu cầu không tham quan, du lịch hoặc lưu trú tại Cần Giờ.
Ngày 31/3 - 1/4, địa bàn tỉnh Phú Yên mưa to kèm theo gió lớn khiến hàng nghìn ha lúa vụ đông xuân chuẩn bị thu hoạch ngã đổ, một số nơi chìm trong nước. Tại thành phố Tuy Hòa, lúa chín chưa kịp thu hoạch ở các cánh đồng Bình Kiến, Hòa Kiến, An Phú bị gió xô ngã rạp, ngập chìm trong nước.
Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa (Phú Yên) cho thấy, huyện có khoảng 700 ha lúa đổ rạp, trong đó 100 ha lúa bị ngập trong nước. Những nơi lúa ngã, ngập úng nặng nhất là các xã Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam. Hàng trăm ha lúa đông xuân của huyện Tây Hòa đang trong giai đoạn chín cũng bị gió quật ngã.
Còn tại huyện Đông Hòa, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn toàn huyện có trên 4.600 ha lúa đông xuân. Người dân mới bắt đầu thu hoạch được một số ít, còn lại đa số bị đổ ngã. Trời vẫn tiếp tục mưa, lúa bị ngập sâu trong nước, khiến nhiều người dân ở An Định, An Nghiệp… (huyện Tuy An) tranh thủ gặt và đưa lúa bó chất lên bờ ruộng cao nhưng vẫn sợ nước cuốn trôi.
Bão Pakhar suy yếu khi vào đất liền. |
Theo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, sau khi vào đất liền bão Pakhar đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tiếp tục gây mưa, gió to ở khắp các tỉnh Nam bộ. 13h ngày 1/4, tâm bão ở trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 -74 km/h), giật cấp 9-10. 1h ngày 2/4, trung tâm vùng áp thấp sẽ nằm trên vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, gió sẽ giảm xuống dưới cấp 6.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, thành phố Phan Thiết đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Phú Quý có gió giật cấp 8…; Tuy Hòa (Phú Yên) có mưa 153 mm; Phan Rang (Ninh Thuận) 135 mm; Nha Trang 134 mm; Hàm Tân (Bình Thuận) 130 mm; MĐrăk (Đắk Lắk) 144 mm; đảo Phú Quý 205 mm…
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bến Tre đêm 1/4 có gió giật cấp 6-7. Vùng ven biển các tỉnh Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Nhóm phóng viên