Ngày 22/7, tại hiện trường tai nạn ở tòa nhà Landmark Tower (do tập đoàn Keang Nam làm chủ đầu tư) những tấm lưới chắn phủ lác đác một số tầng. Theo quy định, khu vực xây dựng phải bao phủ bằng lưới để chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiết bị rơi xuống, đặc biệt, sẽ giảm thương vong khi tai nạn lao động xảy ra.
Tòa nhà của tập đoàn Keang nam có lưới bao quanh một vài tầng. Ảnh chịp ngày 22/7: Anh Thư. |
Ngày 27/7, sau 5 ngày bị đình chỉ thi công, hàng trăm công nhân tại công trường Landmark Tower đã trở lại làm việc, những tấm lưới cũng đã được phủ tại các tầng. Tai nạn lao động lại xảy ra tại tầng 13, nhưng khi rơi đến tầng 8-9, tấm cốp pha bị mắc vào dây lưới và giữ lại cả 3 công nhân, cán bộ kỹ thuật. Những công nhân này đã may mắn hơn các đồng nghiệp trước đó.
Ngoài lý do thiếu rào chắn, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó ban Thanh tra an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận xét, nhiều vụ tai nạn trên cao do công nhân không đeo dây bảo hiểm. Theo quy định, làm việc tại độ cao trên 2 mét là phải có dây an toàn.
Theo quan sát của VnExpress.net sáng nay, tại công trình tòa tháp Landmark Tower, mặc dù xảy ra 3 vụ tai nạn liên tiếp nhưng một số công nhân làm việc tại mép biên của công trình vẫn không đeo dây an toàn.
Trước đó, ngày 14/7, tại cao ốc trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) cũng xảy ra một vụ tai nạn làm một người thiệt mạng. Trong lúc thi công trên tầng 22, nam công nhân với tay ra ngoài lấy tấm kính vào lắp đặt, thì dây cáp treo mang vật liệu xây dựng bị đứt, khiến anh bị mất đà, ngã xuống đất, tử vong tại chỗ.
Ngày 25/3, tại tòa nhà 173 Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy), do bất cẩn và không có bảo hộ lao động, anh Trần Văn Kiên (trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên) đã ngã từ tầng 4 xuống đất, chấn thương sọ não và tử vong.
Ngay sau khi thi công trở lại, tai nạn lao động lại xảy ra tại tòa tháp của Keangnam. Ảnh chụp chiều 27/7: P.V. |
Một đại diện tư vấn giám sát (đề nghị giấu tên) cho biết, vấn đề nổi cộm hiện nay là lao động lành nghề trong ngành xây dựng rất hiếm, phần lớn là lao động phổ thông theo thời vụ. Các thiết bị an toàn lao động có trang bị song vẫn theo hình thức, không được nghiệm thu. Ngoài ra, khâu kiểm tra, giám sát của địa phương buông lỏng, mức phạt chưa mang tính răn đe. Nếu có chế tài như: nhà thầu mắc lỗi sẽ bị ngừng thi công thì các đơn vị sẽ quan tâm hơn đến an toàn lao động.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, nhiều vụ tai nạn xảy ra là do cả công nhân và người sử dụng lao động. Công nhân làm khoán thời vụ nên có tâm lý làm cho xong việc. Còn người sử dụng lao động thường chạy theo lợi nhuận, chưa trang bị kiến thức an toàn lao động bài bản cho công nhân.
"Các nhà thầu thường cắt giảm chi phí đầu tư các thiết bị an toàn thay vì bớt xén vật liệu. Trong khi đó, nhà nước không quy định rõ kinh phí an toàn lao động, ở các nước thường quy định chiếm 1-3% chi phí công trình", ông Kỳ cho biết.
Ông Kỳ cho biết, trong quá trình kiểm tra, các lỗi vi phạm phổ biến được phát hiện là người sử dụng lao động không mang trang thiết bị an toàn, không huấn luyện và khám sức khỏe cho công nhân, không ký hợp đồng lao động. Ngoài ra, người lao động cũng có nhiều lỗi như không sử dụng dây an toàn hoặc không móc dây vào điểm cố định, không theo dõi những quy trình bắt buộc.
Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, 6 tháng qua, tai nạn khi xây dựng chiếm gần 60% tổng số vụ tai nạn lao động trên địa bàn. Trong tháng 7, thành phố xảy ra 12 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 13 người. Trong đó, ngành xây dựng có 7 vụ chết người, khá nhiều vụ có công nhân xây dựng rơi từ tầng cao xuống.
Ngày 27/7, Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tăng cường các biện pháp, trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn lao động trên công trường. Công nhân phải được học tập những biện pháp thi công mới nếu công trình được áp dụng các công nghệ hiện đại. |
Đoàn Loan