*Clip Hà Tĩnh chìm trong mưa lũ |
Tại Nghệ An, mưa lớn xuất hiện từ ngày 29/9 đến nay vẫn chưa dứt. Toàn tỉnh có 3 người chết, 2 người mất tích. Tại huyện Yên Thành, đêm 2/10, chị Dương Thị Bảy (39 tuổi) ở xã Phúc Thành trên đường đi chơi về nhà đã bị nước cuốn trôi, 2 người khác ở xã Hậu Thành bị sét đánh chết trên cánh đồng. Trong mưa lớn, hai học sinh ở huyện Đô Lương và Diễn Châu bị nước cuốn, hiện chưa tìm thấy xác.
Mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã khiến hơn 60 nhà dân ở các xã Diễn Hồng, Diễn Liên (huyện Diễn Châu) bị tốc mái, quốc lộ 48 đoạn đi địa bàn Diễn Lâm, Diễn Đoài bị chia cắt vì nước ngập; hàng trăm ha lúa và hoa màu của các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... sắp đến kỳ thu hoạch bị nước nhấn chìm.
Hàng trăm ha lúa, hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch ngập chìm trong nước. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Rạng sáng 3/10, tại biển Cửa Lò (Nghệ An) con tàu Hoàng Trung 08 do thuyền trưởng Lê Hữu Trung điều khiển chở theo 850 tấn xi măng đã bị sóng đánh chìm. Lực lượng cứu hộ phải dùng mô tô nước đưa 8 thuyền viên vào bờ an toàn.
Trung tâm Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết, đến 19h ngày 3/10, tại Hà Tĩnh có 4 người chết và mất tích vì mưa lũ, gồm chiến sĩ Đoàn Trọng Giáp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh; chị Trần Thị Hoa, giáo viên trường mầm non Hương Thủy; em Tịnh Văn Thìn (15 tuổi) ở huyện Hương Khê và em Nguyễn Văn Thành (17 tuổi).
Cũng chiều 3/10, một tàu bị sóng đánh chìm tại vùng biển Cửa Sót huyện Lộc Hà, 6 thuyền viên được lực lượng cứu hộ cứu sống. Mưa to đã gây lũ cục bộ tại hai huyện miền núi Hương Khê và Vũ Quang, làm chia cắt nhiều khu vực dân cư.
Ông Trần Lê Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, 16 xã của huyện đã bị cô lập. Mực nước tại đập thủy điện Hố Hô đã vượt đỉnh tới một mét và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân dọc sông Ngàn Sâu bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay, huyện Hương Khê đã phát lệnh sơ tán hơn 2.000 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Nước lũ tràn ngập các huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Ảnh: Quốc Châu. |
Theo Trung tâm phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình, mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến nước sông Gianh vượt báo động 3, gần 4.000 hộ dân bị ngập sâu. Các tuyến đường từ trung tâm tỉnh Quảng Bình đi Tuyên Hóa, đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, quốc lộ 20, quốc lộ 12A lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo… đều bị sạt lở và ngập sâu. Hai huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa đang bị cô lập hoàn toàn.
Lo sợ đập thủy điện Hố Hô bị vỡ, 371 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu tại xã Hương Hóa (tiếp giáp với huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã phải sơ tán khẩn cấp. Đến chiều 3/10, tại Quảng Bình đã có một người chết vì mưa lũ. Từ ngày 4/10, học sinh vùng lũ được nghỉ học.
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn trong nhiều ngày đã khiến mực nước sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu - Thác Ma vượt báo động 2 và đang xấp xỉ báo động 3, mức nguy hiểm nhất. Đến 19h ngày 3/10, toàn bộ huyện Hải Lăng ngập chìm khiến hơn 2.000 hộ dân của huyện đứng trước nguy cơ bị cô lập hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Bài, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh có một cháu bé bị chết vì lũ.
Mưa lớn trong nhiều ngày cũng khiến nhiều vùng của tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu. Tại thành phố Huế, nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Đống Đa, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn ngập sâu đến hơn một mét khiến giao thông hầu như tắc nghẽn hoàn toàn. Nhiều trường học, khu dân cư của thành phố Huế cũng chìm trong nước.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sở dĩ miền Trung có mưa lớn là ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của vùng áp thấp và nhiễu động gió đông trên cao.
Hôm nay khu vực này còn mưa, trong khi đó nước lũ trên các sông ở miền Trung đang đứng ở mức cao, nhiều nơi đã vượt báo động 3, mức nguy hiểm nhất. Người dân cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế .
Nhóm phóng viên