Kịch bản động đất gây vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên hai tình huống là trong thời điểm mưa lũ và không có mưa lũ.
![]() |
Sơ đồ kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
Theo đó, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích 730 triệu m3 nước, nếu sự cố vỡ đập xảy ra, mức ảnh hưởng sẽ trải dài từ huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn đến TP Hội An. 62.000 người (145 thôn, khối phố của 51 xã, thị trấn) cần sơ tán khẩn cấp.
Đại tá Lê Ngọc Thành, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Nam cho biết, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh là lực lượng nòng cốt ứng cứu người dân. Ngoài ra, các lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, cán bộ y tế, ban phòng chống lụt bão, thanh niên xung kích... đều tham gia.
Tuy nhiên, trước khi thảm họa xảy ra, theo ông Thành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh, sơ tán và phổ biến triển khai thực hiện kế hoạch đến từng thôn, tổ dân phố; sẵn sàng hệ thống thông tin liên lạc; thành lập đội tìm kiếm cứu nạn tại các thôn, xóm, xã, huyện mỗi đội 25 - 30 người.
Còn thượng tá Võ Mạnh Hùng, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đề xuất, cần tính đến mực nước dâng gây ngập ở từng địa phương khi có lũ lụt kèm theo thảm họa vỡ đập Sông Tranh 2. Không chỉ lo cho tính mạng người dân ở các khu dân cư mà phải tính tới an toàn cho từng trường học, bệnh viện...
Nhiều địa phương ở vùng hạ lưu đập thủy điện này lo lắng, nếu vỡ đập nước từ trên cao tràn xuống chẳng khác nào cơn "đại hồng thủy" càn quét với tốc độ nhanh. Do vậy cần tính toán kỹ khoảng cách từ nhà dân đến nơi trú tránh để khi sơ tán còn chạy kịp.
![]() |
Hồ chứa hơn 730 triệu m3 khối nước nằm ở cao trình gần 100 mét so với vùng hạ lưu. Ảnh: Trí Tín. |
Băn khoăn trước việc làm sao cho dân biết được thảm họa xảy ra để sớm sơ tán, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn đề xuất: "Cần lắp còi hú tới tận các huyện, xã, thôn, xóm và quy định chặt chẽ tín hiệu hú còi, thông tin rộng rãi cho người dân biết". Còn Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Đào Bội Thuyên cho rằng, giải pháp tối ưu nhất là dùng súng bắn để thông tin cho người dân biết.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, ứng phó với tình huống vỡ đập Sông Tranh 2 là đặt tính mạng người dân lên hàng đầu. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cần gấp rút khảo sát, xác định lại các điểm cao, xây dựng lại bản kế hoạch sơ tán nhân dân khi vỡ đập tỉ mỉ, chi tiết hơn.
"Đối với những nơi sát đập cần quy hoạch những điểm cao, cần chuẩn bị mặt bằng, đường để di chuyển... Sau Tết Nguyên đán, khi có phương án chi tiết tỉnh sẽ trình lên Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 để tuyên truyền cho người dân và phục vụ diễn tập", ông Quang nói.
Vị Phó chủ tịch tỉnh cũng đề nghị Ban quản lý dự án Thủy điện 3 (quản lý, vận hành thủy điện Sông Tranh 2) cần phối hợp với chính quyền địa phương sớm xây dựng hệ thống cảnh báo vỡ đập trong thời gian tới.
Trí Tín