Sáng nay, trao đổi với VnExpress.net, GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu cho biết, phân tích hiện tượng dư chấn ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy, có 6 trận động đất kích thích xảy ra. Trong đó, trận có dư chấn mạnh nhất xảy ra lúc 20h46 với cường độ 4,2 độ ritcher, chấn tiêu sâu 7,3 km. 5 trận động đất còn lại đều nhỏ hơn 2 độ ritcher.
![]() |
Động đất từng xảy ra ở khu vực gần công trình thủy điện Sông Tranh 2 làm nứt nhà dân ở huyện Bắc Trà My vào năm 2011. Ảnh: Trí Tín. |
Theo GS Triều, việc tháo nước đột ngột để xử lý sự cố thấm đập Sông Tranh 2 hoặc nước mưa tràn về dâng cao đột ngột ở hồ chứa công trình này đã tạo nên những trận động đất kích thích. Do những đợt dư chấn xảy ra ở tầng nông trong lòng địa chất nên gây tiếng nổ, rung lắc nhà cửa, vật dụng trong nhà.
"Thiết kế đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể chịu đựng động đất 6 độ Ritcher nên những trận động đất đêm qua chưa thể gây ảnh hưởng gì", ông Triều nói.
UBND huyện Bắc Trà My đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình động đất đêm 3/9 ở quanh công trình thủy điện Sông Tranh 2. Theo đó, từ 19h đến 23h30, nhiều trận động đất đã tạo dư chấn mạnh gây rung lắc nhà cửa, vật dụng trong nhà dân trong vòng bán kính rộng khoảng hơn 50 km ở hai huyện: Bắc Trà My và Tiên Phước (Quảng Nam).
"Từ khi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã có hàng chục cơn dư chấn xảy ra trên địa bàn huyện. Những đợt dư chấn liên tiếp tối 3/9 xảy ra với cường độ mạnh nhất từ trước đến nay, có đợt dư chấn vang rền kéo dài khoảng 5 giây như tiếng sấm", Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My Lê Văn Tuấn nói.
Sáng cùng ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) báo cáo kết quả nghiệm thu, đánh giá an toàn sau khi hoàn thành xử lý sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn đã đề nghị Bộ cử đoàn công tác vào Quảng Nam kiểm tra, đánh giá về mức độ an toàn thủy điện này.
Ông Tuấn nhấn mạnh, quan điểm của huyện là trước khi Ban quản lý Dự án thủy điện 3 cho tích nước lòng hồ, phải có văn bản khẳng định đập thủy điện đã an toàn. Chủ đầu tư cũng phải họp báo thông tin rộng rãi dựa trên các cơ sở khoa học để địa phương trả lời trước dân.
Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh, trong quá trình tích nước lòng hồ trở lại từ 140 lên đến 175 mét, chủ đầu tư cần phân kỳ theo từng giai đoạn, không thể dâng nước đột ngột tạo ra hiện tượng động đất kích thích hoang mang cho người dân. Bộ Xây dựng cần mời các chuyên gia sớm nghiên cứu, kiểm tra kết luận "các trận động đất xảy ra ở xung quanh công trình thời gian qua có liên đới gì đến sự cố thấm, rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2" để có hướng xử lý, khắc phục ngay nhằm giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.
Bộ Xây dựng thống nhất sẽ cử các chuyên gia vào kiểm tra hiện tượng động đất tối 3/9 nhằm tìm hiểu ảnh hưởng đến an toàn đập chính thủy điện, nhất là sau khi sự cố thấm vừa mới được khắc phục xong.
Trí Tín