Ngày 15/1, thành phố Benghazi của Libya chấn động vì cuộc biểu tình của hàng nghìn người chống chính phủ do đại tá Muammar Gaddafi đứng đầu từ năm 1969. Tại quốc gia này có khoảng 10.400 lao động Việt Nam làm việc ở các công trường xây dựng.
Ngày 18/2, hàng chục người biểu tình ở Benghazi, bang lớn thứ hai của Libya, đã bị bắn chết. Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Libya theo dõi sát tình hình, khuyến cáo lao động tránh xa địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập đông người. Việc đưa lao động mới sang quốc gia này bị tạm dừng.
Ngày 24/2, hàng loạt quốc gia sơ tán lao động khỏi Libya. Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết đã có một số đoàn, nhóm lao động Việt Nam được chủ công ty Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Libya bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy để sau đó về nước.
Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm Bộ trưởng Ngoại giao làm Trưởng ban. Ban này có nhiệm vụ sơ tán lao động Việt Nam tại Libya và đưa về nước.
Ngày 25/2, 2.000 lao động Việt Nam đã sang được các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunesia… để từ đó đưa về nước. Khoảng 2.500 người khác đang trên đường di chuyển khỏi Libya.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với đại diện của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội và đề nghị IOM hỗ trợ, giúp đỡ cho lao động Việt Nam.
Ngày 26/2, 181 lao động Việt Nam đầu tiên từ Libya về đến sân bay Nội Bài. Bộ Lao động quyết định hỗ trợ ban đầu mỗi người một triệu đồng. Để giải cứu hàng nghìn lao động đang mắc kẹt, Chính phủ đã thành lập 5 đoàn công tác tới 5 quốc gia lân cận Libya để đẩy nhanh tiến độ sơ tán.
Ngày 28/2, các đối tác sử dụng lao động Việt Nam đã và đang đưa 8.160 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hy Lạp, Algeria…Trong đó, có tổng cộng hơn 4.600 lao động Việt Nam đã được sơ tán sang các nước thứ ba.
Đêm cùng ngày, chuyến chuyên cơ đầu tiên của Vietnam Airline đã rời Hà Nội chở đoàn công tác và mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men đến Ai Cập để hỗ trợ cho lao động Việt Nam từ Libya.
Ngày 1/3, chuyên cơ đầu tiên của Vietnam Airline chở 318 lao động từ Cairo đã về tới Hà Nội. Cũng trong ngày, hàng loạt các chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài đưa lao động Việt Nam về nước, nâng tổng số người được hồi hương là 1.450.
Ngày 2/3, hơn 6.000 người đã rời Libya tới nước thứ ba, trong đó 2.800 người về tới Việt Nam. 3.000 còn lại đang di chuyển để đến các nước thứ ba. Đặc biệt trong số này còn khoảng 200 người kẹt sâu trong địa phận Libya. Chưa có thương vong nào đối với lao động Việt Nam.
Ngày 3/3, 8.250 lao động Việt Nam từ Libya đã sang các nước thứ ba, trong đó có 2.740 người về nước. Số còn lại hoặc đang ở 5 nước láng giềng của Libya, hoặc đang trên đường di chuyển bằng tàu biển về cảng Hải Phòng. Ngoài ra, còn trên 300 lao động đang bị mắc kẹt tại Libya, trong khi việc tiếp cận những này rất khó khăn.
Ngày 4/3, đã có 4.600 người về nước an toàn. Hiện còn gần 1.000 lao động Việt Nam ở trong lãnh thổ Libya. Trong đó, gần 200 người nằm sâu trong lãnh thổ, số còn lại đã được đưa ra biên giới để sang các nước láng giềng của Libya như Tunisia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta…
Đối với số lao động còn nằm sâu trong lãnh thổ Libya, hiện, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, các đối tác và chủ sử dụng đã liên lạc được.