UBND TP HCM vừa ban hành quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn... xảy ra trong phạm vi công trình đường hầm Thủ Thiêm.
Công an thành phố sẽ là đầu mối trong công tác đảm bảo an ninh và an toàn giao thông. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc tổ chức bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình đường hầm Thủ Thiêm và xây dựng phương án tổ chức giao thông, khai thác đường hầm Thủ Thiêm được giao cho Sở Giao thông Vận tải.
Hầm Thủ Thiêm đã cơ bản hoàn thành để chuẩn bị cho ngày thông xe 20/11. Ảnh: Hữu Công. |
Về công tác xử lý sự cố, UBND thành phố yêu cầu trong mọi tình huống phải ưu tiên cứu người bị nạn, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản. Công an thành phố có trách nhiệm chỉ huy, triển khai phương án nhanh chóng ngay khi nhận được thông báo xảy ra sự việc; đồng thời phải tổ chức lực lượng, cung cấp danh sách nhân sự và số điện thoại khẩn cho tất cả đơn vị liên quan để thông tin liên lạc kịp thời.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao các cơ quan, đơn vị tham gia xử lý phải phối hợp thu dọn hiện trường trong thời gian nhanh nhất, ngăn chặn lây lan hóa chất độc hại, khí độc (nếu có), khử trùng phòng dịch, vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra sự cố.
UBND thành phố yêu cầu định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý 3 cơ quan đầu mối phải tổ chức họp giao ban về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong công trình đường hầm Thủ Thiêm và đề xuất biện pháp để phối hợp có hiệu quả.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á, dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra, còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km một giờ.
Hữu Công