Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế - xã hội đáng chú ý trong năm qua.
Chính phủ chi hàng tỷ USD chống suy giảm kinh tế
Các biện pháp kích thích đầu tiên được đưa ra ngay những ngày đầu năm 2009 khi Chính phủ và các cơ quan thấy rõ khó khăn nội tại nền kinh tế và tiên liệu tác hại khôn lường của suy thoái toàn cầu. Gói kích cầu trị giá 8 tỷ USD gây tranh cãi trong suốt quá trình thực hiện và có cả những tác dụng phụ dễ thấy như nguy cơ lạm phát do tăng trưởng tín dụng nhanh, sức ép giảm giá đồng nội tệ... Song hiệu quả của nó không thể phủ nhận, đã “giải cứu” nền kinh tế khỏi nguy cơ suy giảm mạnh hơn nữa và tạo sự hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp.
Đợt suy giảm kinh tế tại Việt Nam chạm đáy vào quý I, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,1% rồi hồi phục dần qua từng quý. Tính chung cả năm GDP tăng 5,32% - thấp nhất trong thập kỷ qua và giảm mạnh so với kết quả trên 8% các năm trước, song vẫn giúp Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương. Trong bối cảnh các nguồn lực từ bên ngoài suy giảm mạnh, đóng góp của khu vực tư nhân và dân doanh, vốn chiếm tới 35% tổng đầu tư toàn xã hội, đã chia sẻ gánh nặng và giúp kinh tế sớm thoát khỏi suy thoái và phục hồi nhanh hơn.
Việt Nam trình báo cáo thềm lục địa biển Đông
Ngày 7/5, Việt Nam lần đầu tiên trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tại biển Đông. Đây được cho là Bản báo cáo tập hợp những chứng cứ khoa học, pháp lý rõ ràng nhất nhằm tái khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam - trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Động thái này thể hiện thái độ nhất quán của Việt Nam đối với chủ quyền lãnh hải. "Nếu Việt Nam không lên tiếng với quốc tế, tức là mặc nhiên thừa nhận quyền của nước khác", nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ Trần Công Trục đánh giá.
Việt Nam khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cùng thời gian này, Trung Quốc công bố bản đồ "đường lưỡi bò" với yêu sách sở hữu 80% diện tích biển Đông. Hàng loạt vụ bắt giữ trái phép tàu và ngư dân Việt Nam cũng như nhiều hành động đơn phương của Trung Quốc khiến biển Đông trở thành tâm điểm của dư luận. Trong năm, gần 20 lần Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng về quyền chủ quyền.
Biến động trên thị trường tài chính ngân hàng
Ngày 11/11, thị trường tiền tệ hoảng loạn khi giá vàng lập kỷ lục 29,3 triệu đồng một lượng, tỷ giá cũng leo lên mốc cao chưa từng có 20.000 đồng ăn một đôla. Đây được xem là hậu quả của tình trạng khan cung kéo dài cùng tâm lý đầu cơ, tích trữ trước nguy cơ VND mất giá. Ngân hàng Nhà nước cuối cùng phải cho nhập vàng miếng sau hơn một năm cấm, rồi ít ngày sau điều chỉnh tỷ giá (tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 5,44% và giảm biên độ từ 5% xuống 3%), đồng thời đề nghị các tập đoàn kinh tế nhà nước bán lại ngoại tệ. Cơn sốt vàng đã hạ nhiệt, song căng thẳng trên thị trường ngoại tệ vẫn chờ các liều thuốc phát huy tác dụng.
Ngày 12/11, khi giá vàng tụt dốc từ đỉnh cao trên 29 triệu đồng một lượng, nhiều người đổ xô đi bán rẻ vàng. Ảnh: Nhật Minh. |
Thị trường càng thêm rối ren khi các tin đồn thi nhau bùng phát, doanh nghiệp phá sản, chia thưởng, trả cổ tức, rồi tăng thuế nhập khẩu ôtô, bác gói kích cầu thứ hai, bắt các ngân hàng mua tín phiếu với tỷ lệ tới 50% vốn điều lệ và đặc biệt là tin đồn đổi tiền. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã lập tức bác bỏ tin đồn, mạnh tay xử lý kẻ tung tin xấu.
Bão lũ lịch sử tàn phá miền Trung
Những ngày cuối tháng 9, siêu bão Ketsana quất thẳng vào Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và một phần Tây Nguyên. Cường độ mạnh, phạm vi rộng và song hành với lũ, bão Ketsana đã gây tổn thất lớn nhất từ trước đến nay cho khu vực này, nhiều hơn cả siêu bão Xangsane năm 2006.
174 người chết, thiệt hại vật chất ước tính 14.000 tỷ đồng. Hơn 3 triệu dân của 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chìm ngập trong khó khăn do bão lũ giật sập nhà, cướp đi tài sản cũng như kế sinh nhai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát vùng bão lũ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung.
Hai cơn bão liên tiếp đổ bộ nhấn chìm miền Trung trong lũ lịch sử và cướp đi sinh mạng của gần 300 người. Ảnh: Xuân Quang. |
Một tháng sau, Nam Trung Bộ lại hứng bão Mirinae. Tuy cường độ không mạnh như Ketsana, nhưng mưa sau bão đã nhấn chìm khu vực này trong đợt lũ lịch sử. Nước lũ cuồn cuộn đã cướp đi 124 sinh mạng, khiến nhiều cặp vợ chồng chia lìa, nhiều đứa trẻ trở thành mồ côi.
Sau hai cơn bão, ngành khí tượng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi (địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong bão Ketsana) đã tranh cãi gay gắt về việc có hay không việc dự báo sai. Tiếp đó là tranh cãi chưa có hồi kết rằng thủy điện có phải là nguyên nhân khiến gia tăng lũ lụt ở miền Trung.
FDI tụt dốc, ODA lập kỷ lục
Con số 21,5 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 2009 bằng kết quả năm 2007 - từng là một kỷ lục khi đó. Song so với mức 60,3 tỷ USD của năm 2008, lượng vốn thu hút năm nay giảm tới 70%. Gần 80% trong số vốn ngoại ít ỏi này lại chảy vào những lĩnh vực ít mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế như bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, thay vì đổ vào các ngành công nghiệp, công nghệ cao như trước đây. Cùng lúc đó, các nguồn ngoại tệ từ bên ngoài như đầu tư gián tiếp nước ngoài, kiều hối, du lịch và xuất khẩu sụt mạnh, khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất cân đối thanh toán quốc tế và huy động vốn cho tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng hai đồng chủ tọa của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc cùng bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Ảnh: T.B. |
Cam kết ODA 2009 ở mức kỷ lục hơn 8 tỷ USD, tăng hơn 3 tỷ USD so với năm trước, cho thấy cho dù kinh tế thế giới khó khăn, các nhà tài trợ vẫn tin tưởng vào triển vọng cũng như quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội to lớn từ nguồn vốn dành cho quá trình phục hồi, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức không nhỏ khi nợ Chính phủ tiệm cận giới hạn an toàn 40% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm dần, khoản vay kém ưu đãi sẽ tăng lên và dần dần được thay thế bằng vốn vay thương mại do Việt Nam tiến sát tới ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Việt Nam sẽ gia nhập các nước sản xuất điện hạt nhân
Ngày 25/11, Quốc hội đã nhấn nút thông qua dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - đánh dấu sự kiện Việt Nam trở thành một trong số hơn 30 quốc gia có điện hạt nhân. Với tổng dự toán 200.000 tỷ đồng (hơn một nửa tổng thu ngân sách cả năm 2009), điện hạt nhân Ninh Thuận trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất trong lịch sử.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ AP 1000 của Westinghouse. Ảnh: WHN. |
Dự án gồm 2 nhà máy, công suất 4.000 MW (gấp đôi công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình), khi đưa vào vận hành năm 2020, sẽ giúp Việt Nam giải quyết bài toán thiếu năng lượng. Tuy nhiên, xung quanh dự án vẫn còn những băn khoăn về an toàn bức xạ, nguồn nhân lực vận hành, sự phụ thuộc vào nước ngoài và hiệu quả kinh tế. Một đại biểu Quốc hội đã chất vấn: "Nếu vay nước ngoài tới 75-85% vốn đầu tư, liệu dự án điện hạt nhân có trở thành gánh nợ của con cháu?".
Lần đầu tiên công khai năng lực tài chính các tập đoàn kinh tế
Gần một nửa trong số 8 tập đoàn kinh tế và trên 100 tổng công ty Nhà nước có hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chưa phát huy được các lợi thế vượt trội về vốn, sự quan tâm đầu tư và ưu đãi của Chính phủ… Không ít đơn vị quá lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, cơ cấu tài chính lại không hợp lý, dẫn đến rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không đảm bảo. Tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn (không tính Bảo Việt) tính đến 31/12/2008 là 128.786 tỷ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007 và chiếm gần 10% so với tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, hơn 4.100 tỷ đồng là nợ quá hạn.
Chỉ số "sức khỏe" của các tập đoàn kinh tế được công bố và đưa ra tranh luận trên diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu phê phán gay gắt và lo lắng về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các đơn vị này. Chính phủ đã phải có báo cáo giải trình, thừa nhận những yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty, song cho rằng cần ghi nhận nỗ lực và vai trò đầu tàu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt trong giai đoạn suy giảm kinh tế.
Chứng khoán chạm đáy 235 điểm
Vn-Index chạm đáy 4 năm vào cuối tháng 2, sau thời gian dài lao dốc vì bóng đen suy thoái kinh tế và nhà đầu tư không mặn mà mua cổ phiếu. Thị trường mất thêm hơn hai tháng lình xình trước khi bật mạnh trở lại kể từ tháng 5, Vn-Index lần lượt vượt các mốc 400, rồi 600 điểm với những phiên giao dịch giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thị trường trải qua những ngày đỏ sàn, vắng nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, ngoài lực đỡ ít ỏi là sự chào sàn của các đại gia tài chính ngân hàng và kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến của doanh nghiệp niêm yết, thị trường lệ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính và đặc biệt là dòng tiền nóng từ chương trình kích cầu. Mạch tăng nhiều phen đứt quãng khi giới đầu tư đối mặt với hàng loạt tin đồn thất thiệt, những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư Indochina Capital thoái vốn, các vụ vỡ nợ trên sàn OTC, và các biện pháp mạnh tay chặn dòng tiền từ nguồn vốn kích cầu...
Người làm công ăn lương bắt đầu kê khai thu nhập tính thuế
Luật Thuế Thu nhập cá nhân lẽ ra có hiệu lực từ 1/1/2009, song đã hoãn thi hành nửa năm theo chương trình kích cầu của Chính phủ. Riêng việc đánh thuế với các loại thu nhập từ chuyển nhượng và đầu tư vốn, nhượng quyền thương mại được kéo dài đến năm 2010. Với luật thuế mới, lần đầu tiên tất cả các thu nhập từ tiền lương, tiền công, đầu tư và chuyển nhượng vốn phải thuộc diện kê khai nộp thuế. Có trên 2 triệu lao động thuộc diện đóng thuế thay vì chỉ có 150.000 người nộp thuế theo Pháp lệnh thuế thu nhập cao trước đây.
Thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là quy định gây nhiều tranh cãi nhất khi đưa ra 2 mức thuế để lựa chọn, 25% trên lợi nhuận phát sinh hoặc 2% trên giá trị chuyển nhượng. Cách tính thuế mới gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, khiến thị trường bất động sản đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế càng thêm trầm lắng.
Dịch cúm H1N1 lan với cấp số nhân
Tháng 3, sau khi gây ra hàng loạt cái chết ở Mexico, rồi lan mạnh sang các nước khác, chủng cúm A mới H1N1 - đã được báo động trên toàn cầu. Ngày 31/5, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên tại Việt Nam dương tính với H1N1. Hàng loạt biện pháp khẩn cấp được tiến hành, như đo thân nhiệt tại các cửa khẩu, cách ly những người đi cùng chuyến bay, hạn chế tập trung nơi đông người.
Cảnh báo đại dịch cúm H1N1 vẫn đặt ở mức cao nhất. Ảnh: Thiên Chương. |
Chỉ ít lâu sau, việc kiểm soát thân nhiệt tại các cửa khẩu trở nên vô ích bởi cúm đã lan ra cộng đồng. Ngày 19/7, ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở trong trường học Ngô Thời Nhậm, quận 9, TP HCM, sau đó lan đến Hà Nội và một loạt các tỉnh khác. Cuối tháng 7, Bộ trưởng Y tế đánh giá cúm đang lan với cấp số nhân. Tại nhiều tòa nhà, công sở, cảnh tượng khử trùng diện rộng, nhân viên đeo khẩu trang, đo thân nhiệt khách ra vào trở nên quen thuộc.
Nỗi sợ hãi lên đỉnh điểm khi các ca tử vong xuất hiện liên tiếp, bắt đầu từ 3/8 ở Nha Trang. Số bệnh nhân tăng nhanh đến nỗi Việt Nam - như hầu hết các quốc gia khác - phải dừng xét nghiệm đại trà, xem cúm như bệnh thông thường trong cộng đồng, chỉ dành xét nghiệm cho các ca bệnh nặng. Sau 4 tháng, hơn 50 người tử vong, với gần 1/3 là các bà bầu, đa số do đến viện muộn. Hiện, Bộ Y tế chưa hề giảm cấp độ cảnh báo, trong khi chờ có được các liều văcxin đầu tiên.
VnExpress