Còn ông Cao Quang Đại, phụ trách phòng Đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, hai vấn đề thách thức đối với lao động Việt Nam là kỹ năng và trình độ tiếng Anh.
"Là một trong 6 môn học bắt buộc trong trường nghề, nhưng thời lượng môn tiếng Anh rất ít (hệ trung cấp 60 tiết, hệ cao đẳng 120 tiết), chương trình chưa thống nhất và việc giảng dạy chưa chú trọng đến kỹ năng giao tiếp. Điều này khiến cho kỹ năng của người lao động kém đi", ông Đại nêu nguyên nhân.
Sinh viên cơ khí thực tập tại xưởng. Ảnh: N.T. |
Vừa qua, Tổng cục dạy nghề đã khảo sát chương trình tiếng Anh tại 37 trường nghề. Kết quả cho thấy, trình độ ngoại ngữ của người học rất thấp, chỉ đạt mức sơ đẳng. Với thời lượng 60 tiết, trình độ TOEIC của học sinh trung cấp chỉ đạt hơn 200 điểm, còn sinh viên cao đẳng học 120 tiết cũng chỉ đạt 300 điểm. Trong khi phải đạt 300-350 điểm TOEIC mới có thể đảm bảo cơ hội tìm việc.
Học 60 tiết không thể giỏi tiếng Anh
Lo lắng về chất lượng tiếng Anh của sinh viên, ông Lê Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại ngữ, CĐ Nguyễn Tất Thành cho rằng, cần tăng cường thời lượng môn tiếng Anh hệ trung cấp lên 225 tiết, hệ cao đẳng lên 330 tiết.
Đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trung cấp Kinh tế Đối ngoại Hà Nội Nguyễn Thế Điềm, khẳng định, muốn TOEIC được trên 300 điểm thì chương trình học không thể là 60 tiết. Do vậy, để nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh, trường đã tăng thời lượng học lên khoảng 240-300 tiết.
Trong khi đó, do chuyên cung cấp lao động cho các công ty liên doanh nên Hiệu trường CĐ nghề Việt Mỹ Nguyễn Thế Bảo không lo lắng về trình độ ngoại ngữ của sinh viên trường mình bởi phải đạt TOEIC 600 điểm, các em mới được tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, để đạt được điều đó, ngoài kỹ năng giảng dạy của giáo viên còn cần tới việc kiểm tra đầu vào để xếp lớp theo trình độ. "Phải giảng dạy 60 tiết thì mới tăng được 50 điểm TOEIC. Do vậy, ở hệ trung cấp, tối thiểu phải học 120 tiết, TOEIC mới đạt được 300 điểm", ông nói.
Với mục đích tăng cường khả năng tiếng Anh cho người lao động trong thời kỳ hội nhập, sắp tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tăng thời lượng dạy môn tiếng Anh ở hệ trung cấp lên 120 tiết, hệ cao đẳng lên 180 tiết. Đồng thời, đưa TOEIC thành chuẩn quốc gia đầu tiên đối với lao động nghề. Các trường nghề dựa vào đó đặt ra chuẩn TOEIC riêng của mình. Tuy nhiên, đây không phải là chuẩn tiếng Anh bắt buộc duy nhất.
TOEIC (Test of English for International Communication) là chương trình kiểm tra và xây dựng tiêu chuẩn tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế. TOEIC chỉ đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh, không đòi hỏi vốn từ vựng hay kiến thức chuyên ngành. TOEIC do Viện khảo thí giáo dục Mỹ - ETS (cơ quan đứng đầu thế giới về thiết kế, tổ chức các chương trình đánh giá ngôn ngữ quy mô lớn và nghiên cứu giáo dục) thiết kế năm 1979. Ở Việt Nam, hiện nhiều ĐH và doanh nghiệp đã tiến hành áp dụng chuẩn TOEIC đối với sinh viên và nhân viên. |
Tiến Dũng