Giám đốc Vũ Trung Chính: "Đừng e dè, tự ti khi đi xin việc". Ảnh: H.K. |
- Thưa ông, tại sao mấy phiên giao dịch gần đây "ế" rất nhiều chỉ tiêu tuyển dụng?
- Mấy tháng gần đây nhu cầu về lao động phổ thông không đáp ứng được, mặc dù doanh nghiệp đã hạ thấp điều kiện tuyển dụng. Ví dụ công ty Goshi Thăng Long trước đây dứt khoát phải lấy tốt nghiệp THPT, hệ chính quy, sau đó hạ thấp xuống bổ túc và đến bây giờ chấp nhận lấy tốt nghiệp THCS. Độ tuổi trước đây khá trẻ, bây giờ hạ xuống cỡ tuổi 28-30.
Có hai lý do dẫn đến việc này. Một là tại thủ đô rất ít người muốn đi làm công việc chân tay. Thứ hai là các tỉnh xung quanh Hà Nội khu công nghiệp mọc lên rất nhiều và đã thu hút một lượng lớn lao động phổ thông địa phương ở đó.
- Với kinh nghiệm tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, ông có lời khuyên gì với các ứng viên?
"Phiên giao dịch khép lại, nhưng lao động vẫn còn cơ hội. Họ có thể đến các địa chỉ ở 75 Tô Hiến Thành, E60 Bách khoa và 85 phố Trung Kính để tìm hiểu, bởi toàn bộ thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp chúng tôi vẫn lưu giữ và sẵn sàng cung cấp cho lao động", ông Vũ Trung Chính nói. |
- Trước hết, lao động khi đến sàn phải chuẩn bị tối thiểu 3 bộ hồ sơ, gồm sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương, bản sao bảng điểm trường đã học, và đơn xin việc. Nếu hai người cùng trình độ đến sàn thì người có hồ sơ xin việc bao giờ cũng được ưu tiên hơn, dù năng lực của họ có thể thua so với người không mang hồ sơ.
Thứ hai, nếu lao động đã đến phiên giao dịch một lần mà chưa tìm được việc thì đừng vội thất vọng, hãy đến vào phiên sau. Bởi có thể phiên giao dịch này nhu cầu tuyển dụng phù hợp với khả năng của bạn chưa có, nhưng rất có thể ở phiên khác bạn sẽ tìm được cơ hội. Tìm một công việc không đơn giản, bạn phải đầu tư thời gian.
Thứ ba, khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng, bạn không nên e dè, mà phải tự tin, nhưng cũng đừng tự tin tới mức bất cần hoặc quá đề cao mình. Bạn cũng đừng vì nôn nóng có việc làm mà hạ mình xuống quá thấp, chấp nhận tất cả điều kiện họ đưa ra. Cả hai thái cực, quá đề cao đánh bóng mình hay quá tự ti hạ thấp đều không gây thiện cảm đối với nhà tuyển dụng. Hãy nói chân thành, thẳng thắn về khả năng của mình.
- Tại các phiên giao dịch, doanh nghiệp thường chê lao động chưa có kinh nghiệm mà đã đề nghị chế độ đãi ngộ cao. Ông bình luận gì về điều này?
- Theo tôi, để xin được việc, ngoài 3 bí quyết nêu trên, lao động nên biết chấp nhận một số thiệt thòi ban đầu, đừng đòi hỏi những gì quá với khả năng của mình. Vì trong quá trình làm việc, nếu thật sự anh có trình độ và làm tốt công việc được giao thì chủ sử dụng sẽ kịp thời điều chỉnh chế độ cho anh. Với nhà tuyển dụng, không có gì quan trọng bằng việc khai thác được hết thế mạnh của lao động.
Giả sử sau một thời gian làm việc, nếu chủ sử dụng không đáp ứng được yêu cầu của lao động thì lúc đó ra đi vẫn chưa muộn. Chí ít khi ấy, lao động đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc, cái này rất cần. Lao động cũng nên dựa vào Bộ luật lao động để yêu cầu chủ sử dụng trả lời có tuyển dụng hay không sau khi hết 2 tháng thử việc.
Cuối cùng, cái này có thể trái với lý thuyết một chút, nhưng thực tế thì ứng viên không nên quá cầu toàn rằng học ngành nào thì phải xin việc làm ở đúng ngành ấy. Tất cả trường đào tạo đều có kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành. Ngay cả kiến thức chuyên ngành thì giữa ngành này vẫn có thể vận dụng sang ngành kia được. Vì thế, nếu không xin được đúng ngành nghề mình học, ứng viên hãy thử sức ở những công việc có liên quan tới ngành mình học.
- Rất nhiều ứng viên phàn nàn rằng phần lớn doanh nghiệp tham gia sàn có quy mô nhỏ. Ông suy nghĩ thế nào về việc này?
- Thực tế là Việt Nam mới bước vào nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, chế độ phúc lợi chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp năm nay thành lập, năm sau đã biến mất. Điều này khiến ứng viên có tâm lý không tin tưởng vào công ty quy mô nhỏ.
Nhưng hãy nhìn rộng ra một chút, ngay cả Đức có tới 70-80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Họ tạo ra nhiều chỗ làm việc hơn so với doanh nghiệp lớn. Đài Loan cũng vậy, có đến 80% chỗ làm việc là do doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra. Vì vậy, ta phải thay đổi quan niệm về chỗ làm việc. Trước đây, công việc theo kiểu cha truyền con nối, còn nay việc thay đổi vị trí làm việc rất nhanh.
Lời khuyên cho lao động trong trường hợp này là phải xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là nơi tạo ra việc làm cho mình, cơ hội tìm việc ở đó mới nhiều. Thứ hai là trong sự sàng lọc của kinh tế thị trường, để cạnh tranh thu hút nhân lực, nhiều công ty quy mô nhỏ, nhưng chế độ đãi ngộ lại rất khá. Lao động nên tìm một công việc phù hợp với trình độ, khả năng và có chế độ đãi ngộ tốt, chứ không chạy theo tâm lý tìm việc làm ở các tập đoàn kinh tế lớn cho oai.
- Qua việc tổ chức các sàn giao dịch, ông nhìn nhận thế nào về xu hướng tuyển dụng lao động hiện nay?
- Qua 6 phiên giao dịch, 3 phiên 2007 và 3 phiên đầu năm 2008, chúng tôi ghi nhận ngành nghề thu hút lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên nhiều nhất là công nghệ thông tin, dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng, luật. Như phiên giao dịch việc làm tháng 3 tuyển tới hơn 800 người ở các lĩnh vực trên. Với lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật, ngành nghề thu hút lao động nhiều nhất là sản xuất lắp ráp, nhân viên marketing, bán hàng.
Hồng Khánh thực hiện