![]() |
Bà Helmut Kohl sống trong cực khổ nhiều năm bởi chứng dị ứng ánh sáng. Ảnh: Dailymail.co.uk |
Sáng 5/7/2001, Văn phòng của Thủ tướng Helmut Kohl tại Đức đưa ra một bản thông báo ngắn gọn: "Tuyệt vọng vì tình trạng sức khỏe, Hannelore Kohl, phu nhân Thủ tướng Đức Helmut Kohl, đã tự tử ở tuổi 68". Các công tố viên tìm thấy thi thể bà trong nhà riêng ở ngoại ô Ludwigshafen, miền Tây Nam nước Đức.
Cái chết đột ngột cùng với lời thông báo trên đã gợi lên mối hoài nghi trong các nhà khoa học cũng như trí tò mò của công chúng. Theo họ, xung quanh cái chết này có nhiều điều bí ẩn bởi bản thông báo chưa đưa ra lời giải thích thuyết phục về nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử của bà Kohl.
Trong con mắt người dân, Hannelore Kohl vốn được coi là một đệ nhất phu nhân hiền lành, luôn xuất hiện trước công chúng với nụ cười trên môi. Tuy nhiên, mấy năm cuối đời, bà ít lộ diện. Sau cái chết của bà, báo chí Đức đã tô vẽ, thêu dệt nên hình ảnh về một căn bệnh "kỳ quái". Có tờ báo còn nói rằng Hannelore đã biến thành ma cà rồng do mắc phải một căn bệnh lạ, ảnh hưởng đến các sắc tố dưới da, khiến da phồng rộp và đỏ ối, trông như bị tưới máu tươi.
Cứ theo như sự mô tả thì có lẽ bà Kohl đã mắc căn bệnh porphyria mà dân gian gọi là bệnh ma cà rồng. Những người mắc căn bệnh này không nhiều, trên thế giới mới chỉ ghi nhận hơn 100 trường hợp. Bệnh nhân rất sợ tiếp xúc với ánh sáng cho nên chỉ dám ra ngoài vào ban đêm.
Trước những lời đồn thổi của dư luận, Văn phòng cựu Thủ tướng đã đưa ra công bố chính thức về nguyên nhân cái chết của bà Kohl: Từ năm 1993, Hannelore Kohl đã mắc một căn bệnh rất hiếm thấy, chưa từng được nghiên cứu và khiến các bác sĩ phải bó tay, đó là bệnh dị ứng với ánh sáng.
Căn bệnh quái ác đã biến bà thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Cuối cùng vì không thể chịu đựng nỗi đau đớn và tuyệt vọng, bà đã chết vì một liều morphin cực mạnh.
Sự hoài nghi của các nhà khoa học
Đối với các bác sĩ điều trị những bệnh về da và dị ứng thì những gì bản thông báo đưa ra khiến họ rất nghi vấn vì theo họ, sợ ánh sáng là một bệnh quen thuộc trong y học, hầu như các nguyên nhân gây bệnh đều đã biết. Thông thường, người mắc bệnh này chỉ thấy khó chịu, ngột ngạt chứ hầu như không nguy hại đến tính mạng (trừ một vài trường hợp rất hiếm, dị ứng mạnh đi cùng với huyết áp cao dẫn tới căng vỡ động mạch). Vậy là cái chết bi thảm của phu nhân cựu Thủ tướng tiếp tục trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trong giới y khoa.
Một loạt câu hỏi được đặt ra là: Tại sao những triệu chứng khó chịu do dị ứng ánh sáng như hỏng da, mụn nhọt, ngứa ngáy được nêu trong thông báo lại có thể dẫn đến những cơn đau không thể chịu đựng được? Có đúng là suốt năm bệnh nhân cảm thấy đau đớn khi với địa lý của nước Đức, cả mùa thu và đông ánh nắng tự nhiên luôn yếu hơn vùng nhiệt đới?
"Có thể ngoài dị ứng ánh sáng mặt trời, bà Kohl còn mắc chứng bệnh nào khác - thủ phạm chính dẫn đến cái chết không?", Tiến sĩ Eva Chlebus, chuyên gia có thâm niên trên 10 năm chữa trị các bệnh dị ứng ánh sáng, tỏ vẻ hoài nghi.
Những lý giải của y văn thời Trung cổ
Theo tiến sĩ Maria Noszczyk, chuyên gia hàng đầu thế giới về các bệnh dị ứng, ung thư da thì các bệnh dị ứng ánh nắng được coi như những vấn đề nan giải của khoa da liễu: Một mặt chúng làm tăng chứng dị ứng do hậu quả suy giảm hệ miễn dịch, mặt khác do da chúng ta ngày càng mỏng đi, hiệu quả bảo vệ dưới tác động có hại của tầng ozon càng kém trong khi mật độ tia UVB đổ xuống trái đất ngày càng tăng.
Ông còn cho biết thêm: Cùng với tia UVB là các tia UVC, chỉ chiếm 1% ánh nắng (số còn lại là tia nhìn thấy được và tia hồng ngoại), nhưng chính nó là thủ phạm gây bệnh, làm cho da sạm nắng cùng nhiều hậu quả tai hại khác. Không chỉ có vậy, còn một hung thủ khó nhận diện nữa ẩn nấp trong ánh sáng mặt trời, đó là những tia UVA. Tầng ozon trong khí quyển có thể ngăn cản phần lớn tia UVC, UVB, nhưng lại bất lực trước tia UVA.
Tiến sĩ Noszczyk cho biết, tia UVA dễ dàng lọt qua kính cửa sổ, tác động bất lợi lên da ngay cả khi con người ở trong nhà. Nó còn thúc đẩy tác động tiêu cực của nhiều hợp chất tiêu diệt vi khuẩn và tân dược đối với cơ thể.
Thực ra, theo ghi chép trong y văn thế giới thì ngay từ thời Trung cổ, thầy thuốc Paracelus đã không cho bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian điều trị một số bệnh.
Trong mấy chục năm trở lại đây, người ta thấy ngày càng nhiều dấu hiệu dị ứng ánh sáng vì sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm nhiễm, chống loạn nhịp tim hay điều trị bệnh đường tiết liệu và tiểu đường... Bảng danh mục này khá dài, song ít bác sĩ nào để ý đến và cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ tác động phụ của thuốc do ánh sáng. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến căn bệnh bí hiểm và cái chết bi thảm của bà Kohl trước thói quen thường xuyên tắm nắng ngay cả khi đang điều trị bằng penicillin dài ngày.
Các thầy thuốc hiện đại thời nay đã bỏ qua phát hiện quan trọng từ thời Trung cổ này. Và dẫu đây chưa phải là một kết luận chính thức nhưng sau vụ việc, giới khoa học đã đưa ra lời cảnh báo: không được coi thường ánh sáng mặt trời và hiệu ứng mạnh mẽ của nắng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)