Ảnh minh họa: Spot.com. |
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) cho biết, nhìn cô con dâu bà Hoài gày đét, bụng lồi lên ai cũng tưởng cô mang bầu. Đến khi siêu âm mới phát hiện một khối u xơ to bằng đầu một đứa trẻ mới sinh, đường kính 11 cm nằm trong tử cung.
"Vì khối u quá u to, gây chèn ép các cơ quan ở bụng nên bệnh nhân thấy đau cuộn lại. Rất may là khối u không gây chửa ngoài tử cung, mấy ngày sau siêu âm lại thai đã vào trong buồng tử cung", bác sĩ Dung cho biết.
Bệnh nhân cần dưỡng thai và được theo dõi liên tục. Lý do là khối u quá to có thể gây chèn ép thai nhi, dễ dẫn đến sảy thai.
Cũng theo bác sĩ Dung, trong một số trường hợp, u xơ tử cung có thể là nguyên nhân gây vô sinh. Người có thai ở những tháng đầu nếu có u xơ sẽ dễ bị dọa sảy thai hoặc sảy thai với các triệu chứng đau bụng, ra máu. Đối với thai nghén ở những tháng cuối, cũng có thể gây ra dọa đẻ non hoặc đẻ non. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì nhiều trường hợp có bầu mới phát hiện bị u xơ tử cung nhưng vẫn có thể sinh con an toàn.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Thị Chút, Phó phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện phụ sản Hà Nội cho biết, u xơ tử cung là một bệnh khá phổ biến ở chị em, với tỷ lệ mắc khoảng 20%. Đây là loại u lành tính thường thấy nhất trong tử cung, nó có thể nằm ngoài bìa hoặc lọt trong lòng dạ con.
Bệnh nhiều khi không có triệu chứng gì rõ ràng. Người bệnh có thể có cảm giác đau bụng dưới, thấy nặng, lúc có kinh thì ra nhiều máu. Đây là loại u chịu ảnh hưởng của nội tiết tố, khi estrogen cao thì u to ra, ngược lại khi estrogen giảm thì u dần nhỏ lại. Vì thế, tùy vào vị trí khối u, kích thước, độ tuổi bị mà bác sĩ có những chỉ định phù hợp.
Nếu khối u không quá to, không nguy hiểm, không gây biến chứng gì thì chỉ cần theo dõi liên tục, không cần mổ bóc khối u. Lý do là dù có bóc tổ chức xơ thì nó có thể mọc ở chỗ khác. Hơn nữa, khi đến tuổi mãn kinh, tử cung sẽ co lại như tử cung của trẻ, khối u sẽ không phát triển nữa, bác sĩ Chút cho biết.
Với những bệnh nhân khối u phát triển quá to (lớn hơn 5 cm), khiến người bệnh khó chịu, gây chèn ép các cơ bên cạnh, gây đau, bí đái, táo bón, hoặc nếu u ở vị trí gần niêm mạc, gây chảy máu, băng huyết, thì cần phải can thiệp để xử lý khối u, bác sĩ Chút cho biết.
Điều trị phẫu thuật có thể là bóc khối u hay cắt tử cung tùy vào lứa tuổi và tùy ý muốn có con. Nếu chị em không muốn sinh con nữa thì có thể cắt tử cung để chữa bệnh một cách triệt để. Trong trường hợp vẫn muốn sinh con thì mổ bóc nhân xơ.
Mới đây, các bác sĩ khoa phụ sản Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã có sáng kiến dùng một dụng cụ bằng kim loại có chiều dài khoảng 50 cm, với một đầu được thiết kế xoắn nhiều vòng hỗ trợ bóc tách nhân xơ được dễ dàng hơn. Dụng cụ này giúp kéo khối u chìm sâu trong tử cung, thuận tiện cho việc bóc tách mà vẫn bảo tồn tối đa chức năng sinh sản cho người phụ nữ.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.