Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa tiếng khóc của trẻ sơ sinh và chứng rối loạn hành vi. Ảnh: BBC. |
Kết luận được một nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và Thụy Điển rút ra, sau khi khi phân tích 22 công trình thực hiện từ năm 1987 tới 2006, liên quan đến gần 17.000 trẻ em.
Trong số này, có hơn 1.900 bé (khoảng 1/5) là gặp "khó khăn", với biểu hiện khóc thái quá (khóc dữ dội, không rõ nguyên nhân, không dỗ được), có rắc rối về ngủ (khó đi vào giấc ngủ, không ngủ liên tục cả đêm) và rắc rối về ăn (có biểu hiện nôn, không chịu ăn, chán ăn)
Theo indianexpress, các bé này được theo dõi xem liệu chúng có các biểu hiện rối loạn hành vi trong thời thơ ấu, như trầm cảm, lo lắng, hung hăng hay tăng động giảm chú ý... hay không.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy các em bé khóc dai dẳng thì có nguy cơ bị các rối loạn hành vi về sau cao hơn 40% so với các bé bình thường, phần lớn dẫn đến tăng động giảm chú ý hoặc có các hành vi xấu.
Đứa trẻ càng gặp nhiều vấn đề trong 3 nhóm biểu hiện nói trên, thì nguy cơ bị trục trặc hành vi càng lớn.
Nghiên cứu cũng tìm thấy khoảng 20% các bậc phụ huynh có những lo lắng về tiếng khóc, giấc ngủ hay thói quen ăn uống của con mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Dieter Wolke từ Đại học Warwick (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết các trục trặc ở trẻ được nói tới ở đây là những bất thường khá nghiêm trọng. Chẳng hạn, nghiên cứu tập trung vào các bé sau 3 tháng tuổi vẫn còn khóc hơn 3 tiếng mỗi ngày, hay các bé có rối loạn về ngủ kéo dài sau 8 tháng tuổi.
Phương Trang