Ảnh minh họa: Shine. |
Trước đây Thu, con gái bà đang học lớp 11, là một cô bé ngoan ngoãn, chuyện gì cũng tâm sự với mẹ. Thế nhưng, khi cháu bắt đầu bước vào lớp 10, bà thấy con gái dường như ngày xa cách. Đi học về là Thu chui ngay vào phòng, đóng cửa lại, hỏi gì cũng chỉ trả lời vài ba câu cho xong chuyện, thường xuyên đi học về muộn, thậm chí bỏ học đi chơi.
Một lần, bà tình cờ phát hiện trên tay con có nhiều vết cứa, có chỗ đã thành sẹo nhưng có những vết còn rất mới. Trái tim bà như nhói đau khi nghĩ đến những gì con đã làm. Thế nhưng mặc cho mẹ dò hỏi, nói nhẹ nhàng thậm chí đe nạt, cô bé vẫn chỉ một mực im lặng, nhìn mẹ một cách dửng dưng.
Không chịu được sự im lặng đó, lại sợ một ngày kia trên tay con lại có thêm nhiều vết cắt mới, bà Mai mới đưa con đi gặp bác sĩ. Và càng đau hơn khi bà biết được con đã tự rạch tay mình như thế từ lâu chỉ để đỡ buồn. Trên hai cánh tay chi chít các vết.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Hà Nội) cho biết, gần như ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau khiến Thu rơi vào trạng thái căng thẳng, stress, thấy bức xúc trong người không chịu được đến mức rạch tay. Những lúc đó, cô bé không hề cảm thấy đau đớn mà ngược lại thấy dễ chịu. Cũng vì thế cô bé không hề dừng lại, càng ngày những vết rạch càng nhiều và sâu hơn.
Theo bà, những trường hợp thanh thiếu niên tự gây thương tích cho mình như trường hợp của Thu không phải là hiếm gặp. Mới 15 tuổi nhưng Nam (Hải Dương) luôn có cảm giác bi quan, chán nản, tự thấy mình là con người vô dụng, đầu óc lúc nào cũng thấy ức chế.
Bố mẹ ly dị, Nam sống với mẹ cùng anh trai và chị gái. Thế nhưng lúc nào cậu cũng cảm thấy cô độc trong chính căn nhà của mình vì không có ai quan tâm. Mẹ thì suốt ngày mải mê kiếm tiền, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về còn anh chị thì lúc nào cũng kêu bận việc, không có thời gian.
"Một lần vô tình bị một vết bỏng trên tay nhưng cháu không hề có cảm giác đau đớn mà là một cảm giác dễ chịu mới mẻ. Từ đó, mỗi khi thấy khó chịu trong người, cháu lại tự lấy đầu mẩu thuốc lá tạo vết bỏng trên tay hoặc dùng dao lam rạch vào tay như cách một số bạn vẫn làm", Nam chia sẻ với nhà tâm lý.
Tiến sĩ Bưởi cho biết, Thu và Nam cũng giống như nhiều bạn trẻ khác tự hủy hoại bản thân mình một cách có chủ ý, nhằm thoát khỏi cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng, nhưng lại không nhằm kết thúc cuộc đời mình như tự tử. Đó có thể là việc làm xước hay bầm tím cơ thể, ăn uống những chất độc hại, bẻ gãy xương, tự làm bỏng....
"Các em xem cơ thể mình như là nơi trút giận cho hả hê, thậm chí có nhiều em thành nghiện hành hạ mình. Mỗi ngày không dùng dao lam rạch một vài đường vào tay cho máu chảy ra thì thấy bứt dứt, khó chịu", tiến sĩ Bưởi nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Đại học Y tế công cộng cũng cho biết, trên thế giới tự gây thương tích không phải là một hiện tượng mới. Đây là biểu hiện trạng thái sức khỏe tâm thần của cả người lớn và vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên hiện tượng này thường xảy ra trong nhóm vị thành niên và có xu hướng ngày càng tăng.
Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 được thực hiện vào cuối năm 2008 cho thấy có hơn 7,5% người được hỏi cho biết từng tự gây thương tích. Trong đó, cao nhất là nhóm các em nam tuổi từ 14 đến 17. Nghiên cứu này có sự tham gia của hơn hơn 10.000 người ở độ tuổi 14-25.
Theo tiến sĩ Hương, so với cuộc điều tra cách đây 5 năm thì tỷ lệ vị thành niên và thanh niên tự ý gây thương tích đã tăng gấp 2 lần (trước kia tỷ lệ này là 2,8%). Đây là một vấn đề cần đáng chú ý. Trẻ tự gây thương tích cho bản thân nhưng không nhằm tự tử, tuy nhiên đây lại là nhóm có nguy cơ cao dẫn đến hành vi tự tử.
"Những trẻ sống cùng bố mẹ có tỷ lệ tự gây thương tích thấp hơn trẻ sống trong gia đình thiếu bố (mẹ), bị bạo lực gia đình... Ngoài ra, cuộc sống với nhiều áp lực khiến trẻ buồn chán sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tự gây thương tích", tiến sĩ Hương.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến những hành vi tự gây thương tích của trẻ thường là do kết hợp giữa yếu tố trầm cảm nội sinh và sự tác động của tâm lý xã hội. Đó có thể là sự mất mát người thân, bố mẹ hay xung đột, không hòa thuận, bố quá nghiêm khắc, ly dị, áp lực học hành... Ngoài ra, cũng có thể vì bố mẹ bận kiếm tiền, không có thời gian trò chuyện, chăm sóc con cái nhất là khi trẻ đang ở tuổi vị thành niên.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần hiểu tự gây thương tích chỉ là một biểu hiện của những vấn đề về tâm lý và cảm xúc sâu xa hơn ở trẻ. Trẻ làm việc này chủ yếu vì không tìm ra cách giải quyết những vấn đề trong đời sống. Vì thế, gia đình cần quan tâm hơn đến các em để nhận biết những bất thường về tâm lý, từ đó giúp đỡ kịp thời, đưa ra cách giải quyết để các em vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.