Trẻ thường có xu hướng giấu kín nếu bị quấy rối, lạm dụng tình dục. Ảnh minh họa: Charity. |
Đây là kết quả khảo sát về quấy rối, lạm dụng tình dục ở lứa tuổi vị thành niên do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị Thành niên tiến hành đầu năm 2009. Gần 320 học sinh lớp 10, 11 của 3 trường tại Hà Giang, Quảng Ninh và TP HCM đã tham gia khảo sát.
Thi, một học sinh lớp 11 tại TP HCM tham gia khảo sát kể: Một tối trên đường đi học về cùng hai bạn nữ khác, em thấy một người đàn ông phóng xe máy đi theo. Cả 3 sợ lắm, cố đạp xe thật nhanh về nhà. Đến đoạn phải chia tay mỗi người đi một ngả.
"Người đó đi theo sau em, thi thoảng lại vọt lên đi cạnh chòng ghẹo, nói rất tục tĩu, thậm chí sờ vào tay và vai em. Sợ quá em chả biết nói gì, chỉ cố đạp thật nhanh cho mau về đến nhà. Đến giờ, mỗi lần đi vào buổi tối nghe thấy tiếng xe máy từ đằng sau em vẫn giật thót hết cả mình", Thi tâm sự.
Không chỉ thế, nhiều em còn kể về những trường hợp bị xâm hại tình dục nặng hơn. Điển hình là câu chuyện của một học sinh ở Hà Giang mà nhiều người biết đến. Em này trọ học trong một nhà dân gần trường. Nhà vệ sinh không có cửa nên đi tắm cũng chỉ che chiếu, nilon. Một tối đang tắm, một thanh niên ở công trường gần đó đã nhảy vào cưỡng bức em. Còn tại Quảng Ninh, một học sinh nam trong giờ thể dục giả vờ đau bụng, mò lên cưỡng ép một em gái lớp khác cũng đang trong giờ thể dục ở tầng trên, tiến sĩ Trịnh Thị Bích Liên, đại diện nhóm nghiên cứu kể lại.
"Tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng đang ngày một gia tăng. Nhưng điều đáng báo động là các em vẫn còn thiếu hiểu biết về vấn đề này", chị Liên nói.
Khảo sát trên cho thấy, nhiều em không biết phản ứng như thế nào khi bị quấy rối, lạm dụng tình dục, nhiều em tỏ ra "sợ hãi, khó chịu nhưng không dám làm gì (im lặng)" hoặc "lúc đầu phản đối nhưng rồi cũng chấp nhận".
Bên cạnh đó, hầu như các em chỉ nhận ra được những hành vi trực tiếp dẫn đến quấy rối, lạm dụng tình dục như: động chạm, sờ mó vào ngực, bộ phận sinh dục... Còn những hành vi gián tiếp như: cầm tay, nhắn tin, gọi điện gạ gẫm, phơi bày bộ phận sinh dục... thì các em không phân biệt được.
Theo chị Liên, nhiều trẻ cho rằng đó chỉ là cách đùa vô văn hóa, kiếm cớ làm quen, rằng đó chỉ là "nói vài lời tán tỉnh, tục tĩu, gợi dục nên không đáng lo". Chính điều này khiến trẻ mất đề phòng, không hề biết rằng từ những hành vi đơn giản này có thể dẫn đến những hành vi ở mức độ cao hơn như: ép buộc quan hệ tình dục, hiếp dâm.
Lý do của tình trạng trên là ngay cả cha mẹ, như thầy cô giáo cũng thiếu nhận thức về những nguy cơ này, thậm chí không nghĩ đến chuyện dạy trẻ phòng tránh.
Theo kết quả khảo sát trên VnExpress.net từ tháng 6/2009 với câu hỏi "Bạn đã bao giờ dạy con đối phó với sự quấy rối tình dục", trong số gần 470 độc giả tham gia thì chỉ có 47% thường xuyên, nhắc nhở hỏi han con và gần 40% chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dạy con.
Trong khi đó, ở độ tuổi vị thành niên, trẻ đang ở trong giai đoạn "dại không hẳn, khôn thì chưa đủ" có xu hướng tách dần sự quan tâm của bố mẹ, thầy cô lập ra một thế giới riêng. "Những chuyện đau buồn, rủi ro các em đều giấu kín. Khi bị ép buộc quan hệ tình dục thì có đến 70% trẻ chưa bao giờ nói điều đó với ai, chỉ rất ít - khoảng 10% - nói với mẹ hoặc thầy cô giáo", chị Liên cho biết.
Quấy rối, lạm dụng tình dục gây ra hậu quả khác nhau với từng trẻ, có thể gây ra sự xáo trộn tâm lý tạm thời như: xấu hổ, sợ hãi, lo lắng, không tin tưởng vào người lớn ... hoặc dẫn những hậu quả lâu dài như trẻ sẽ sống thu mình hay gây gổ quá mức, lạm dụng rượu hay ma túy, bỏ nhà. Trẻ cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, bị ám ảnh, rối loạn tâm thần và tự sát.
Không chỉ thế, đó còn có thể là nguyên nhân dẫn đến những lệch lạc về tình dục ở trẻ khi lớn lên. Nhiều nạn nhân đến khi trưởng thành lại là kẻ xâm hại hoặc có xu hướng tình dục đồng giới nếu kẻ xâm hại có cùng giới tính với nạn nhân. Hoặc trẻ thấy ghê sợ tình, căm ghét người khác giới...
"Bất cứ đối tượng nào, cả trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể bị xâm hại, từ rất nhỏ (vài tháng tuổi) cho đến tuổi vị thành niên. Không phân biệt là trẻ ở nông thôn, trẻ ở thành thị, miền núi, trẻ con nhà giàu cũng như con nhà nghèo. Trẻ ở lứa tuổi lớn thì bị xâm hại nhiều hơn so với trẻ nhỏ tuổi", chị Liên chia sẻ.
Chính vì thế, việc cung cấp cho trẻ những hiểu biết về quấy rối, lạm dụng tình dục ở mọi lứa tuổi, nhất là lứa tuổi vị thành niên rất cần được quan tâm. Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị Thành niên đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn về phòng chống, quấy rối, lạm dụng tình dục cho học sinh cấp 3.
Tài liệu gồm 12 bài giảng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về giới tính, tình dục, quấy rối, lạm dụng tình dục và 5 bài nhằm trang bị những kỹ năng phòng chống quấy rối, lạm dụng tình dục.
Trước hết trẻ cần hiểu:
- Quấy rối tình dục là khi một người nào đó cố tình có hành vi hoặc lời nói liên quan đến tình dục làm cho trẻ cảm thấy khó chịu hoặc sợ hãi.
Những hành vi này bao gồm: chụp ảnh khỏa thân, khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, cho trẻ xem phim, tranh ảnh, sách báo khiêu dâm, ảnh khỏa thân, nhìn trộm khi trẻ không mặc quần áo, dùng lời nói để kích thích tình dục...
- Lạm dụng tình dục là khi một người nào đó dùng lời nói hay hành động nhằm lợi dụng trẻ để thực hiện một số hành vi liên quan đến tình dục. Đây là mức độ cao hơn của quấy rối tình dục.
Trong đó bao gồm: sờ mó bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, đưa ngón tay hoặc bộ phận sinh dục của họ vào hậu môn hoặc bộ phận sinh dục trẻ, bắt trẻ sờ mó bộ phận sinh dục của họ...
Trẻ cũng cần biết những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục. Đó có thể là khi thấy một người nào có sự quan tâm không bình thường, đang ở nhà một mình thì gọi điện hỏi "ở nhà với ai?" hay những con đường vắng lúc tối khuya cũng là một nguy cơ.
Trẻ không nên đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ, không ở trong phòng kín một mình với người lạ, không nhận tiền, quà hoặc sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do. Ngoài ra, không để người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình, không để người lạ vào nhà khi trong nhà chỉ có một mình.
Khi cảm thấy sợ hãi do có người muốn đụng chạm hay xâm hại tình dục, các em cần đứng ngay dậy, lùi xa đủ để kẻ đó không với tay được đến người mình, nói, hét to và kiên quyết cho kẻ đó biết nếu không dừng lại, sẽ mách mọi người, bỏ đi ngay. Sau đó, kể với những người tin cậy để được giúp đỡ. Nếu bị cưỡng hiếp, hãy nói với người thân đưa đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.