![]() |
Một hóa đơn tính tiền thuốc viêm gan C mỗi tuần lên đến gần 5 triệu đồng. Ảnh: Thiên Chương. |
Đại diện Thanh tra Sở Y tế cho hay, họ không tìm được chứng cứ bởi hầu hết các nhà thuốc đều cho rằng chỉ mới kinh doanh các loại thuốc này từ đầu năm 2010 và lượng thuốc bán ra rất ít nên không lưu hóa đơn.
Riêng một nhà thuốc ở quận 5, nơi từng bị tố được các bác sĩ trong bệnh viện kê toa để bệnh nhân đến mua thuốc trị viêm gan siêu vi C, thừa nhận, có hợp đồng nhận chiết khấu 20% với nhà phân phối dược. Song thực tế chỉ nhận được 2%.
Để làm rõ sự việc, thanh tra Sở Y tế TP HCM yêu cầu nhà thuốc này phải giải trình khuất tất trong chuyện thanh toán chiết khấu. Riêng các nhà thuốc không lưu hóa đơn kinh doanh cũng sẽ bị xử lý.
Trên thị trường bán lẻ, các loại thuốc viêm gan C mà các nhà thuốc kinh doanh có giá bán lẻ từ ngoài 3 triệu đồng/lọ đến hơn 4 triệu đồng/lọ. Mỗi bệnh nhân tiêm mỗi tuần một lọ.
Thời gian qua, nghi án các bác sĩ móc nối với các nhà thuốc để hưởng hoa hồng bằng cách giới thiệu bệnh nhân đến mua tại các nhà thuốc "ruột" đang được dư luận quan tâm. Liên quan đến vụ việc này, cuối tháng 3, hai bác sĩ khoa Gan Mật, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, đã bị tạm ngưng hành nghề để giải trình vụ việc.
Theo một chuyên gia của ngành dược đã về hưu, việc các công ty dược chi hoa hồng cho nhà thuốc, hoặc cho bác sĩ chuyên kê toa như là một tất yếu của cuộc chiến giành thị phần. Trình dược viên là cầu nối, khi tiếp xúc với nhà thuốc hoặc bác sĩ kê toa, họ luôn trình thẳng mức chiết khấu và hiển nhiên, chiết khấu càng cao càng dễ kiếm được hợp đồng.
"Việc thanh tra lấy bằng chứng để khẳng định một nhà thuốc nào đó có nhận hoa hồng không và nhận ở mức bao nhiêu là không phải dễ, bởi mỗi tháng, khi thanh toán hoa hồng cho nhà thuốc, trình dược viên đôi khi chỉ căn cứ vào lượng thuốc bán ra rồi nhân lên thành tiền. Nếu không phát hiện được giấy tờ liên quan đến thanh toán hoa hồng (vốn là chứng cứ) thanh tra khó lòng buộc tội", dược sĩ này cho biết.
Thiên Chương