![]() |
Cảnh tượng sau một vụ nổ bình gas ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Xuân Tùng. |
Sự việc xảy ra hơn một tuần trước. Khi 5 thanh niên đang xem TV trong phòng sinh họat của công ty thì một người châm lửa hút thuốc, khiến khí gas bị rò ra trước đó gặp lửa, bốc cháy, làm cả nhóm bị bỏng nặng. Ngay lập tức, những công nhân này được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên rồi chuyển thẳng xuống Viện Bỏng Quốc Gia.
Theo bác sĩ Nguyễn Như Lâm, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia, nhóm bệnh nhân này đều bị đa chấn thương, bỏng nặng, suy hô hấp, nhiễm trùng đường thở do hít phải khí nóng. Hiện tại, hai trong số các bệnh nhân bị nhiễm trùng quá nặng đã không qua khỏi, một người khác cũng đã xin về, hai bệnh nhân còn lại có nhiều cơ hội sống hơn, song vẫn phải hồi sức tích cực và tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ Lâm cho biết, hiện tượng rò khí, nổ bình gas không hiếm, nhất là khi hiện nay tình trạng sang chiết gas trái phép, đóng van gas không an toàn... vẫn diễn ra. Bác sĩ Lâm cho biết, khi bị xì ra ngoài, do nặng hơn không khí, gas thường luẩn quẩn trong nhà (nhất là ở những ngôi nhà kiểu hình ống, không có cửa sổ hay hệ thống thông khí), vì vậy, chỉ cần có nguồn lửa nhỏ như tàn thuốc lá, hay các tia lửa từ xe máy đang nổ hoặc ma sát do mở cánh cửa... cũng có thể gây cháy.
Theo bác sĩ chuyên khoa bỏng, bị bỏng gas rất nguy hiểm, vì thường là đa chấn thương do các mảnh vỡ găm vào, nạn nhân dễ bị bỏng họng, suy hô hấp, nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.
Chuyên gia này cảnh báo, nếu thấy có mùi gas trong nhà, người dân cần lập tức mở tất cả các cửa chính, cửa sổ cho gas thoát ra, kiểm tra hệ thống bình, bếp gas hoặc gọi ngay thợ đến sửa, tuyệt đối tránh bật công tắc điện, nổ xe máy hay bất cứ hành động nào tạo ra lửa hay tia lửa. Nếu xảy ra sự cố nổ cần ngay lập tức thoát ra ngoài, nếu có thể nên đeo khẩu trang để tránh hít phải khí nóng. Người nhà cần sơ cứu bỏng và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Vương Linh